Home / Tin tức / Hội thảo khoa học nghiện internet ở thanh thiếu niên VN: thực trạng và giải pháp

Hội thảo khoa học nghiện internet ở thanh thiếu niên VN: thực trạng và giải pháp

Sáng ngày 11/11/ 2020; Phân hiệu Học Viện Phụ Nữ Việt Nam, tại TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học nghiện internet ở Thanh thiếu niên Việt Nam – Thực trạng và giải pháp. Ban tổ chức đã nhận được 30 bài tham luận gởi đến hội thảo và chọn ra được 21 bài đăng vào kỷ yếu của hội thảo.

Nghiện internet đang là một chủ đề mới mẻ và còn nhiều bàn cãi cả trong học thuật lẫn bối cảnh lâm sang; do nó dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người nghiện, nhất là với thanh thiếu niên. Tuy nhiên, tại Việt Nam còn rất ít nghiên cứu về chủ đề này.

Nghiện Internet bao gồm: mạng xã hội, game online, văn hóa phẩm đồi trụy, youTube… đang trở thành vấn nạn thực sự đối với xã hội, khi ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp có những biểu hiện rối loạn hành vi như: tự tử, giết người, cướp của, hiếp dâm, rối loạn nhân cách và nhiều vấn nạn xã hội khác. Nghiện internet gây ra rất nhiều hậu quả về kinh tế, an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến kết quả giáo dục, tác động đến sự phát triển của mỗi quốc gia.

Với mong muốn tạo ra một diễn đàn để trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng chống và hỗ trợ cai nghiện internet, Phân hiệu Học Viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiện internet ở Thanh thiếu niên Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, mục tiêu của hội thảo là phác họa bức tranh chung về nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay, tìm hiểu nguồn gốc thực trạng những hậu quả của nó đối với gia đình nhà trường và xã hội, thảo luận về những vấn đề biểu hiện tâm lý lâm sàng của nghiện internet, công cụ chẩn đoán và biện pháp điều trị. Đồng thời thảo luận vai trò của truyền thông, nhà trường, xã hội…trong việc phòng chống nghiện internet. Từ đó tìm ra các biện pháp hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nghiện internet ở Thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay.

Tại hội thảo đã bàn luận và thảo luận liên quan đến 03 chủ đề:

Chủ đề 01: tổng quan về nghiện internet, các yếu tố liên quan đến nghiện game của học sinh trung học cơ sở tại TP.HCM, trường hợp trường THCS Trần Quốc Toản, quận 9, TP.HCM, được Thạc sĩ Phan Thị Cẩm Giang – Giảng viên Khoa học Cơ bản Phân hiệu Học Viện Phụ Nữ Việt Nam, trình bày.

Chủ đề 02: các biện pháp điều trị nghiện internet, tiếp cận trên bình diện cá nhân và gia đình, tổng quan hiệu quả can thiệp tâm lý cho thanh niên nghiện mức độ nghiêm trọng về internet smartphone, phân tích tổng hợp…được trình bày bởi Tiến sĩ Lê Minh Thuận – Trưởng khoa Y tế Công cộng ĐH Y Dược TP.HCM.

Chủ đề 03: vai trò của cơ quan chức năng, tổ chức chính trị – xã hội, trong việc phòng chống nghiện Internet hiện nay. Vai trò của nhà trường trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa nghiện internet ở thanh thiếu niên, được trình bày bởi bà Trịnh Thị Bích Hằng – Hiệu trưởng trường THCS Trần Quốc Toản Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.HCM.

Theo báo cáo đánh giá tình hình quản lý internet và khảo sát thực trạng học sinh chơi game online của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, năm 2000 có 215.568 học sinh chơi 01-03 lần/tuần. Năm 2010, TP.HCM khảo sát 105.340 học sinh qua phỏng vấn, có đến 328.531 học sinh chơi game online 01 đến 03 lần/tuần

Internet của sinh viên sư phạm theo các lát cắt chỗ ở, kết quả học tập và năm học: điểm trung bình IAT của sinh viên sư phạm là 30,97/100 điểm,với độ lệch chuẩn 15,29. Còn xét theo lát cắt chỗ ở với 03 nhóm sinh viên cư trú tại nông thôn – miền núi và hải đảo, thành phố cho thấy điểm trung bình IAT của sinh viên thành phố là cao nhất 33,36 điểm ,thuộc loại nghiện internet nhẹ. Điểm IAT của sinh viên nông thôn miền núi và hải đảo đều dưới 30, thuộc loại bình thường, thêm vào đó điều đáng chú ý là khi nghiên cứu sàng lọc trên 260 sinh viên cả 03 nhóm, ba sinh viên nghiện internet mức độ nặng đều ở thành phố. Từ hai dấu hiệu trên có thể nhìn thấy sinh viên sống ở thành phố có nguy cơ nghiện Internet cao hơn sinh viên các nơi. Tuy nhiên khi phân tích các giá trị trung bình của 03 nhóm này thì kết quả thống kê cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa, do đó cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn số lượng mẫu lớn hơn để khẳng định ý nghĩa của sự chênh lệch này.

Nghiện internet ở thanh thiếu niên Việt Nam Nam đã được các nhà khoa học đưa ra từ những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, cho đến nay đang trở thành một trong những hội chứng nghiện, để lại nhiều hệ lụy tác động xấu, mang tính lâu dài tới cộng đồng, tới xã hội. Sự gia tăng và trở nên khó kiểm soát hơn, hiện tượng nghiện internet ở thanh thiếu niên nước ta trong nhiều năm gần đây là tổng thể của một quá trình nhân quả, có tương quan mạnh mẽ giữa những điều kiện khách quan bên ngoài, kết hợp với những yếu tố chủ quan bên trong. Bản thân thanh thiếu niên, trong đó yếu tố bên trong thuộc về nhu cầu nhận thức của thanh thiếu niên khi sử dụng internet chưa đúng mực, là điều kiện cần và những yếu tố xã hội tác động là điều kiện đủ, để hiện tượng này đang có xu hướng ảnh gia tăng theo thời gian.

T.T