Home / Kinh tế / Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam: một tương lai mới đầy thách thức và cơ hội

Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam: một tương lai mới đầy thách thức và cơ hội

Ngày 9/12/2020; tại TPHCM, Cục Xúc tiến thương mại- Bộ Công thương tổ chức khai mạc Triển lãm trực tuyến quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020 (VIETNAM FOODEXPO) và Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam 2020 (Vietnam Food Forum). Dự án BioTrade khu vực Đông Nam Á, do tổ chức Helvetas Việt Nam và Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) phối hợp thực hiện sẽ đồng hành cùng Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2020, trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam FoodExpo.

Các vị đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm

Vietnam Foodexpo 2020 thu hút sự tham gia của gần 300 doanh nghiêp đến từ 27 tỉnh, thành trên cả nước… sẽ trưng bày, giới thiệu đa dạng mặt hàng thuộc các lĩnh vực: rau quả, đồ uống, trà, cà phê, nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chế biến…Lần đầu tiên Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam và Hội nghị quốc tế ngành thực phẩm Việt Nam diễn ra theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ e.foodexpo.vn.

Cú sốc của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều xáo trộn; khiến ngành thực phẩm Việt Nam chịu tác động lớn, chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy, tiêu thụ trong nước sụt giảm, đơn hàng xuất khẩu bị hủy bỏ hoặc giảm đáng kể, hoạt động logistics vận tải hàng hóa bị đình trệ, ùn tắc tại các cảng hàng hóa và dòng vốn đều thiếu hụt, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải duy trì trách nhiệm xã hội tối đa, khiến nhiều doanh nghiệp phải chịu khó khăn và các sức ép lớn.

Thứ trưởng Bộ Công thương – Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị rằng: ngành công nghiệp thực phẩm và chế biến nông sản thủy sản Việt Nam trong những năm gần đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, đây cũng là ngành đã và đang góp phần quan trọng vào việc ổn định an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Chúng ta hoàn toàn tự chủ được về khả năng cung ứng lương thực thực phẩm trong cả nước, mặc dù có những rào cản về mặt đi lại, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường quốc tế nhưng với sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm vẫn tăng trưởng, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 03 quý đầu năm 2020 đạt hơn 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại hội nghị đã diễn ra tọa đàm với nội dung thích ứng với thay đổi và đổi mới, thông qua các diễn giả như: ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã nói về vấn đề đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng, Cục chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản – Bộ NN&PTNT đã đề cập đến vấn đề tận dụng Hiệp định Thương mại tự do đẩy mạnh xuất khẩu nông sản thực phẩm. Ông Andrew Wilson – Quản lý dự án Thương mại Sinh học BioTrade đã đề cập đến vấn đề gia tăng nhu cầu về những sản phẩm bền vững và nguồn cung cấp có đạo đức. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó CTHĐQT Nafood Group nói đến vấn đề chế biến sâu giải pháp thích ứng của doanh nghiệp nông sản thực phẩm.

Ngày nay; người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thực phẩm, cũng như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ tự nhiên và có nhận thức ngày càng cao về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là ở các thị trường cao cấp. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, BioTrade chính là một chiến lược giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và tăng sức cạnh tranh khi tham gia vào các thị trường khó tính. BioTrade cũng thúc đẩy các giá trị bền vững về cả kinh tế – xã hội – môi trường, từ đó đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển đa chiều.

Giới thiệu sản phẩm nước dừa nước, thiên nhiên mang tính bền vững

Dự án BioTrade khu vực Đông Nam Á do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ, với động lực từ sáng kiến BioTrade, được khởi xướng bởi Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), được triển khai từ dự án thí điểm tại Việt Nam vào năm 2012. Trải qua 08 năm, từ chương trình thí điểm tại Việt Nam, dự án đã được mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, với 04 nước Việt Nam – Lào – Campuchia – Myanmar. Pha 01 của dự án cấp khu vực được thực hiện từ năm 2016 đến tháng 08/2020, với kết quả là hơn 10 doanh nghiệp với 12 chuỗi sản phẩm nguyên liệu tự nhiên được hỗ trợ xây dựng theo các nguyên tắc của BioTrade và xuất khẩu thành công tới các thị trường cao cấp, tác động tích cực tới hơn 10.000 người – chủ yếu tại các khu vực nông thôn. Pha 02 của dự án tiếp nối từ tháng 9/2020, dự kiến kéo dài trong 04 năm với mục tiêu là bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua thương mại bền vững các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên. Với sự tham gia của các công ty xuất khẩu và các nhà sản xuất địa phương vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn có sinh kế phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học ở khu vực Mekong.

Tham gia vào sự kiện này, dự án BioTrade kỳ vọng sẽ đóng góp và trao đổi kinh nghiệm hướng đến các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị, phát triển thị trường cho ngành thực phẩm Việt Nam, thông qua giới thiệu và chia sẻ về xu hướng khai thác và thương mại bền vững các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên.