Liêng Srônh, mảnh đất nằm giữa những ngọn núi chập chùng xa tít của huyện nghèo Đam Rông đang chuyển mình. Xen giữa cây cà phê truyền thống là những vườn chanh không hạt thơm ngào ngạt, nơi người Liêng Srônh đang phấn đấu đưa trái chanh trở thành sản phẩm đặc trưng.
Vườn nhà ông Nguyễn Chí Thanh, Thôn 2, xã Liêng Srônh thơm lừng mùi chanh tươi, thứ mùi rất ấn tượng giữa trưa cao nguyên. Ông Thanh cho biết, ông đến Liêng Srônh sinh sống đã 20 năm và cũng như hầu hết nông dân nơi này, ông gắn bó với cây cà phê. Tới năm 2015, ông mạnh dạn thử nghiệm trồng 7 sào chanh không hạt và đến giờ, quyết định của ông đã hoàn toàn đúng đắn. Cây chanh đang mang lại thu nhập ổn định cho ông và cho nhiều nông hộ Thôn 2.
Ông Thanh chia sẻ, giống chanh gia đình ông và nhiều bà con Thôn 2, xã Liêng Srônh chọn là giống chanh CK của Mỹ. Giống chanh này đặc trưng không hạt, vỏ mỏng, trái lớn và ra hoa, kết trái quanh năm. Ông chia sẻ: “Chanh CK của Mỹ da màu xanh lá tươi, vỏ mỏng, tinh dầu cao, siêu thị rất ưa chuộng và xuất khẩu cũng khá tốt. Nông dân chúng tôi hiện đang thu nhập ổn từ cây chanh và diện tích đang dần mở rộng”.
Theo ông Thanh, chanh CK ưa đất pha cát, loại thổ nhưỡng của Thôn 2 rất phù hợp với đặc tính này của cây chanh. Như nhà ông Thanh trồng thuần thì cây cách cây 5m, 1 ha có thể trồng 500 cây. Chanh CK được ghép từ mắt ghép trên gốc cây chanh truyền thống, vốn có sức chịu đựng tốt. Sau khi trồng 18 tháng, chanh bắt đầu đơm hoa kết trái. Và tới lúc 5 tuổi, cây có thể cho năng suất tới 70 kg/cây/năm. Ông Thanh chia sẻ: “Chanh CK dễ chăm sóc, năng suất cao, trung bình đạt 35 tấn/ha/năm. Như bình thường 1 tháng hái 2 lần, size khoảng 16-18 trái/kg là đúng chuẩn. Chỉ cần giá 10 ngàn đồng/kg là có thể có 200 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ hết chi phí, thu nhập cao hơn trồng cà phê nhiều”.
Cũng vì vậy, cư dân Thôn 2 bắt đầu mở rộng diện tích giống chanh này – anh Kon Yông K’Khiếp, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêng Srônh cho biết. Có gia đình như ông Lâm Tấn Sơn trồng tới 5-6 ha chanh CK. Hay nhà anh Triếk K’Màng trồng 4 sào chanh xen cà phê đã cho thu hoạch hàng tháng. Hàng chục gia đình khác trồng từ 50-100 cây, chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê. Anh Kon Yông K’Khiếp cho biết: “Hiện toàn xã Liêng Srônh có xấp xỉ 20 ha chanh không hạt, tập trung trên địa bàn Thôn 2. Các hộ cả người Kinh, người dân tộc bản địa đều trồng thành công, giúp các gia đình có nguồn thu đều đặn hàng ngày. Vì vậy, diện tích chanh đang mở rộng, chúng tôi cũng động viên bà con trồng xen với cây cà phê, vừa làm cây che bóng, vừa tăng thu nhập trên cùng diện tích đất”. Anh K’Khiếp nhận xét, cây chanh không hạt sợ sâu vẽ bùa, ưa ẩm nhưng không chịu úng. Mùa nắng phải tưới thường xuyên, nếu không cây sẽ kém phát triển. Cây chanh cần được tạo tán, ngắt ngọn, hãm đọt cho cây không cao quá 2 m, vừa tạo điều kiện cây vươn cành ngang, vừa ra trái sai, vừa dễ thu hoạch. Chanh ưa phân hữu cơ, phải bỏ phân hàng tháng và đặc biệt không được sử dụng thuốc diệt cỏ. Sử dụng thuốc diệt cỏ, chanh bị vàng lá, trái sượng, dễ hư cả vườn chanh. Vì vậy, chăm sóc vườn chanh hoàn toàn sử dụng thuốc sinh học, an toàn cho người trồng và người tiêu dùng.
Anh Bùi Tiến Viết, Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh cho biết, cây chanh không hạt đã và đang giúp đời sống của người dân Thôn 2 khá lên hàng ngày. Đây cũng là giống chanh được thị trường ưa chuộng, có tiềm năng xuất khẩu sang các nước lân cận. Vì vậy, Liêng Srônh định hướng sẽ xây dựng trái chanh không hạt trở thành sản phẩm nông thôn tiêu biểu của xã. Xã sẽ hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật để nhân rộng diện tích chanh, đăng ký tiêu chuẩn sản xuất an toàn cũng như các thủ tục, giúp trái chanh không hạt được công nhận sản phẩm OCOP trong tương lai gần.