Home / Kinh tế / Nông nghiệp / Mở lối cho nông sản đồng bằng đến thị trường EU

Mở lối cho nông sản đồng bằng đến thị trường EU

Diễn đàn Mekong Connect 2020 diễn ra tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Chủ đề các lợi ích và cơ hội mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) mang đến cho nông nghiệp và tiến trình phát triển của ĐBSCL được thảo luận trong phiên thảo luận chính. Theo các diễn giả, bên cạnh những thuận lợi từ EVFTA, hàng hóa và dịch vụ của ĐBSCL khi muốn vào thị trường châu Âu (EU) phải đối mặt với nhiều thách thức…

Lực đẩy xuất khẩu

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn Mekong Connect 2020 về hướng phát triển cho ĐBSCL trong bối cảnh thực thi các FTA.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, trong giai đoạn 2021-2030, thực hiện đầy đủ EVFTA sẽ giúp xuất khẩu Việt Nam tăng 12%. Riêng với trái cây, tỷ lệ tăng trưởng là 20% nhờ vào EVFTA, mở ra cánh cửa thâm nhập thị trường mới cho nông dân, nhà sản xuất và nhà xuất khẩu ở ĐBSCL.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong 11 tháng năm 2020 đạt 489,88 tỉ USD, tăng 3,6% với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 254,97 tỉ USD, tăng 5,5%, tương ứng tăng 13,23 tỉ USD và nhập khẩu đạt 234,91 tỉ USD, tăng 1,7%, tương ứng tăng 3,93 tỉ USD. Thương mại song phương Việt Nam – EU đã có bước tiến triển lớn trong thập niên qua. Tổng kim ngạch hai chiều đã tăng lên 45 tỉ Euro trong năm 2019, so với con số 10 tỉ Euro trong năm 2009. Xuất khẩu sang thị trường châu Âu hiện chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, giúp giảm bớt hàng rào thuế quan với 71% tổng giá trị hàng Việt Nam xuất sang EU.

Theo các chuyên gia, trong vòng một thập niên tới, con số này sẽ lên đến 99% khi thuế suất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ xuống thấp gần bằng 0 trong vòng 10 năm tới. Chẳng hạn, như các mặt hàng thủy sản có thuế suất đến 85% trong năm 2020 này sẽ giảm xuống gần 0% trong năm 2023. Trong khi đó, thuế suất đối với các loại nông sản sẽ giảm dần theo lộ trình tiệm tiến: từ 65% trong năm 2020 xuống còn 31% trong năm 2023 và dưới 5% trong năm 2030. Ngoài việc giúp tăng xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU, EVFTA cũng giúp bảo vệ tốt hơn hàng hóa trước vấn nạn hàng nhái hay hàng giả trên thị trường EU thông qua điều khoản về chỉ dẫn địa lý (GI). Hiện có 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo vệ ở châu Âu. Trong số này, có các sản phẩm của ĐBSCL như: vú sữa Vĩnh Kim, muối Bạc Liêu.

Chính phủ Việt Nam trong nhiều thập niên qua đạt được tiến bộ lớn trong việc tinh giản và hiện đại hóa thủ tục hải quan và quy trình xuất nhập khẩu. Tăng cường cải tiến ở lĩnh vực này sẽ khuyến khích gia tăng đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp châu Âu và tăng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của ĐBSCL vào thị trường quốc tế và thương mại toàn cầu. EVFTA cùng những FTA khác tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh mới. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực thì các thị trường được kết nối do EVFTA và CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cũng sẽ bỏ qua hàng hóa Việt Nam.

Vượt rào cản để tiến xa

Các diễn giả trong phiên thảo luận sáng của Diễn đàn Mekong Connect 2020 đã chỉ ra rằng, một khi hàng rào thuế quan được giảm bớt thì các hàng rào kỹ thuật khác lại được dựng lên và đây là những thách thức mới đối với hàng hóa và dịch vụ của đồng bằng muốn vào thị trường EU. Bà Bùi Kim Thùy, Đại diện Hội đồng kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ cho rằng, kiểm dịch động thực vật, thuế chống phá giá, các biện pháp chống lẩn tránh thuế, các biện pháp tự vệ lại là những rào cản được đẩy lên, thay thế cho các mức thuế đã được hạ xuống của các FTA. FTA nào cũng mang lại giá trị mà nếu doanh nghiệp nắm vững thị trường thì sẽ khai thác thành công. Nông sản không chỉ bao gồm những sản phẩm có xuất xứ từ thực vật mà tất cả các sản phẩm có yếu tố nông nghiệp, nhưng muốn xuất khẩu được phải có sự hỗ trợ của ngành công nghiệp, do vậy giữa các ngành cần phải có sự liên kết. Việt Nam ngày càng tham gia vào nhiều các FTA, đây cũng được coi như việc tạo mạng lưới “đường cao tốc” kết nối. Việc chúng ta đi như thế nào để thành công, cần đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải có những phương thức tốt nhất.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham, chỉ rõ, thị trường EU đòi hỏi các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và các sản phẩm lưu thông trên thị trường này phải đáp ứng tiêu chuẩn của khối EU về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, vệ sinh và phát triển bền vững. Đáp ứng được các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiến xa hơn và củng cố vị trí, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Ngoài việc giúp sản phẩm và dịch vụ nâng chuẩn, EVFTA giúp nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và năng lực quản lý của đồng bằng, tăng dòng chảy hàng hóa, bởi các doanh nghiệp cả hai bên sẽ tìm cách tận dụng và xâm nhập thị trường ưu đãi và thuế suất đang giảm dần. Ông Nguyễn Hải Minh, cho rằng, điều này đòi hỏi các mạng lưới vận chuyển và hạ tầng logistics hiện đại. Vì vậy, nâng cấp mạng giao thông vùng giữa các trung tâm logistics của TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và khu vực ĐBSCL có thể giúp tăng xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Liên kết để tạo thành công

Hiện nay, liên kết được xem là một trong những chìa khóa quan trọng để đi đến thành công, nhưng đồng thời đó cũng đang được cho là điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là trong liên kết vùng. Tuy mối liên kết của ABCD Mekong còn khá non trẻ, nhưng chúng ta cũng đã có được những bước đi đầu tiên. Thực tế cũng đã chứng minh, Mekong Connect qua mỗi lần tổ chức đều mang đến những giá trị thiết thực cho mỗi địa phương và mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác, kêu gọi đầu tư và phát triển. Không chỉ dừng lại ở thời điểm tổ chức diễn đàn, các giá trị đúc kết từ diễn đàn tiếp tục là nguồn dữ liệu quý để các tỉnh khai thác, tìm kiếm cơ hội mới cho sự phát triển của địa phương mình.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, liên kết làm nên thịnh vượng. Muốn đi xa thì đi cùng nhau. Để có thể tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập sâu rộng như hiện nay, chúng ta cần phải liên kết, liên kết không chỉ phát triển cho từng địa phương. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh. Đây là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh.

Ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị Ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo tính kế thừa, phát triển, có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ 2020-2025, TP Cần Thơ đang cố gắng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực nội tại để phát triển những ngành, lĩnh vực tạo sức lan tỏa, dẫn dắt cả vùng, thúc đẩy sự liên kết trong vùng. Trách nhiệm TP Cần Thơ trong thúc đẩy liên kết vùng, chủ động tổ chức liên kết với các tỉnh ĐBSCL và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), trong vòng 10 năm tới, Việt Nam cơ bản hoàn thành các cam kết thương mại. Trong xúc tiến thương mại, bên cạnh việc hỗ trợ của Chính phủ từ các chương trình quốc gia, để thành công, các địa phương phải khai thác thế mạnh và xây dựng thương hiệu ở từng sản phẩm và từng ngành. Trong đó, cần phải có liên kết giữa các địa phương để có sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau về thông tin, kỹ thuật…

Bà Mary Tarnowka, Chủ tịch Amcham tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, cho biết, mục tiêu năm 2020 của chúng tôi là trở thành hiệp hội có tính chiến lược và có sức ảnh hưởng nhất tại Việt Nam, thúc đẩy sáng tạo và phát triển bền vững. Chúng tôi cam kết với những mục tiêu đó và dù cho có dịch COVID-19, chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động có tính chiến lược. Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho thương mại và đầu tư. Hiện nay, nhiều thành viên AmCham như: Cargill, Coca-Cola, Suntory Pepsi và Pharmacity đã có những hoạt động rộng khắp vùng ĐBSCL. Cùng đó, các sản phẩm nông nghiệp từ khu vực này như: tôm, cá tra, thanh long và xoài đang được đón nhận trên khắp Hoa Kỳ.

Nguồn: baocantho.com.vn