Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là một người yêu văn hóa truyền thống. Bằng tâm huyết và đam mê, anh đã ghi dấu trong lòng công chúng bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật sơn mài độc đáo, giàu giá trị và bản sắc Việt.
Trâu như một biểu tượng đầu tiên khi mọi người đến với làng (cổng trâu)
1010 con trâu tại không gian nhà cổ Đường Lâm
Mỗi dịp Tết đến, xưởng nghệ thuật của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, gần Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội luôn nhộn nhịp. Mùi mùn gỗ hăng hắc, tiếng cóc cách đục đẽo vang trong gian nhà cũ… Từ những khúc gỗ chơ vơ ở góc vườn, dưới bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa đã trở thành những con vật sống động.
Mấy năm gần đây, tên tuổi của Nguyễn Tấn Phát gắn liền với những tác phẩm điêu khắc con vật ngộ nghĩnh bằng chất liệu sơn mài. Mỗi năm anh làm một con giáp tượng trưng của năm đó. Không gian trưng bày sản phẩm của anh tại Đường Lâm có khá nhiều tác phẩm. Mỗi linh vật mỗi vẻ nhưng đều toát lên sự hóm hỉnh, vui tươi, đáng yêu.
Trâu là linh vật của nhà nông và đôi khi được “thần thánh hóa” qua con mắt họa sĩ (trâu hóa rồng).
Đón Tết Tân Sửu và để kỷ niệm 1010 Thăng Long – Hà Nội, anh trưng bày 1010 tượng trâu tại không gian nhà cổ ở Đường Lâm. Ngoài những chú trâu đen trũi với đôi sừng to khỏe góc cạnh, Nguyễn Tấn Phát còn tạo dáng trâu như là một mái nhà, một mái đình, trâu cổng làng và đôi khi trâu được “thần thánh hóa” hóa rồng. Trong mắt của Nguyễn Tấn Phát, con trâu đi vào đời sống như một biểu tượng văn hóa được biểu hiện qua hoa văn cổ…
Họa sĩ Nguyễn Tấn Phát chia sẻ, người nông dân Việt Nam sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Từ bao đời nay, con trâu – “đầu cơ nghiệp” là người bạn thân thiết, gắn bó với đời sống nông nghiệp và người nông dân. Để làm được những sản phẩm này, phải qua hàng chục bước. Đầu tiên lên ý tưởng, sau đó tự tay đục đẽo thành dáng trên chất liệu gỗ, phủ nhiều lớp sơn, đánh bóng, khảm trai và tạo phần hồn cho con vật.
Trâu đi vào đời sống như một biểu tượng văn hóa, được biểu hiện qua hoa văn cổ.
Đắm mình với nghệ thuật sơn mài
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất địa linh nhân kiệt Sơn Tây (Hà Nội), từ nhỏ Nguyễn Tấn Phát đã đam mê hội họa. Học hết phổ thông, Phát thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, chuyên ngành sơn mài.
Tốt nghiệp đại học, anh mở doanh nghiệp tư nhân ở thị xã Sơn Tây, chuyên làm tranh, đồ gia dụng, đồ trang sức khảm trai, sơn mài.
Anh đã kết hợp hài hòa, sử dụng mỹ thuật hiện đại vào những sản phẩm thủ công mỹ nghệ sơn mài dân tộc, đặc biệt sử dụng chất liệu khảm như vỏ trứng, vỏ trai nhằm giữ nét đẹp truyền thống và thân thiện với môi trường. “Đây là yếu tố ghi điểm rất tốt đối với người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng nước ngoài”, Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát
Không chỉ tập trung làm các mặt hàng có tính chất nhanh, nhiều, bình dân để lấy ngắn nuôi dài, Nguyễn Tấn Phát vẫn có những tác phẩm có tính độc đáo, giàu tính nghệ thuật. Anh tâm niệm, nghệ thuật phải để phục vụ cuộc sống, phải để công chúng thưởng thức, thụ hưởng. “Chỉ có những người yêu nghệ thuật hết lòng, sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để kiên định với lựa chọn ban đầu của mình mới đi lâu dài trên con đường vốn nhiều thử thách này”, Nguyễn Tấn Phát khẳng định.
Từ năm 2010 đến nay, anh liên tục được nhận những giải thưởng uy tín của Hà Nội và nhiều địa phương khác, như giải Nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014, 2019… Anh đã đóng góp lớn cho việc truyền nghề, truyền lửa đam mê cho các họa sĩ trẻ trên quê hương cũng như phát triển doanh nghiệp để mang lại việc làm cho lao động địa phương. Năm 2017, ở tuổi 34, anh vinh dự được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”.
20 năm theo đuổi chất liệu sơn mài, Nguyễn Tấn Phát vẫn đam mê như ngày đầu, vẫn khao khát được sáng tạo để làm phong phú cho nền thủ công mỹ nghệ nước nhà. Mảnh đất Sơn Tây luôn tự hào về anh!