Mỗi phiên bản của cách mạng công nghiệp đánh dấu bước đột phá, chuyển dịch vĩ đại của loài người. Luật Doanh nghiệp cũng vậy, với tinh thần xuyên suốt luôn là ngọn cờ về quyền tự do kinh doanh.
Ông Phan Đức Hiếu – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Những thành viên tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp năm 2020 gọi đùa đây là Luật Doanh nghiệp “phiên bản 4.0”. Để hiểu bước “đại nhảy vọt” của luật này, cần phải quay lại thời điểm trước năm 2000.
Trước năm 2000, tư duy quản lý sản xuất, kinh doanh là người dân chỉ được làm những gì mà Nhà nước cho phép. Nhưng sự cho phép này lại phần lớn dựa vào sự tùy ý, thậm chí tùy tiện của bất kỳ cán bộ, công chức nào.
Tôi vẫn đang giữ giấy phép thu mua ve chai, có hiệu lực trong vòng 6 tháng của một người kinh doanh đồng nát do UBND xã cấp. Để xin được giấy phép, người này phải đến UBND xã không biết bao nhiêu lần, mỗi lần đi đều phải “xem giờ” vì rất hên xui, vì trông vào cảm xúc của cán bộ.
Rồi cả chuyện một người dân không được kinh doanh thu mua hoa quả vì… chưa lấy vợ, vì giấy phép đòi xác nhận thân nhân, nhưng không có cơ quan nào chịu xác nhận ông ta chưa kết hôn…
Để chuẩn bị cho việc xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 1999, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập đoàn đi khảo sát thực tế, trong đó có yêu cầu tính xem để thành lập doanh nghiệp, người dân phải làm bao nhiêu loại giấy phép, thời gian bao lâu. Chúng tôi đến đâu cũng xin một bản.
Kết thúc đợt khảo sát, tôi tổng hợp được 300 loại giấy phép, nhưng không thể đếm được thời gian vì 1 năm cũng không thể xin đủ các loại giấy phép. Tôi còn nhớ đã áng chừng chi phí thành lập doanh nghiệp mất khoảng 1 – 2 cây vàng, một số tiền vô cùng lớn ở thời điểm trước năm 2000. Nhưng nhiều trường hợp, chi phí bằng tiền không đủ để thể hiện những tốn kém mà người kinh doanh lúc đó phải trả. Bởi có những ngành nghề phải xin phép Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ bây giờ), dưới nữa là phải xin phép chủ tịch UBND cấp tỉnh. Có bộ hồ sơ có khoảng 40 – 50 loại giấy tờ khác nhau, ít nhất cũng bằng đó con dấu và chữ ký, chưa kể, có ngành nghề không ghi thuộc quyền của cấp nào, nhưng vẫn phải được sự đồng ý của “ông xã” như giấy phép thu mua ve chai kể ở trên.
2.
Nói thật, đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá khi đó lại mạnh dạn đề xuất xây dựng Luật Doanh nghiệp với quan điểm chủ đạo là trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân, “doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”.
Trong quá khứ, tôi không có cơ hội được tham gia làm việc cùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng rất may mắn có dịp làm việc cùng Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong suy nghĩ của tôi, ông là người tiên phong giải phóng doanh nghiệp. Nếu không có ông, chắc gì Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã ra đời, hoặc nếu có, thì hình hài của nó cũng khác rất nhiều.
Thời điểm đó, tinh thần tự do kinh doanh đang dâng cao, “thừa thắng xông lên”, Bộ trưởng Trần Xuân Giá kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp.
Việc đầu tiên, Tổ công tác rà soát và kiến nghị bãi bỏ 161 loại giấy phép. Thú thật, tôi may mắn được làm thành viên của Tổ, nhưng cũng không biết Bộ trưởng Trần Xuân Giá giải trình, thuyết phục thế nào mà Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành ngay quyết định hủy bỏ 161 loại giấy phép đang là rào cản quyền tự do kinh doanh.
Vì là một trong những người tham gia xây dựng dự thảo quyết định này, nên chứng kiến rất nhiều tranh luận nảy lửa, quyết liệt giữa các bộ, ngành với chuyên gia kinh tế, luật pháp, vì rất nhiều giấy phép trong số đó được quy định trong luật, pháp lệnh, nghị định, nên quyết định của Thủ tướng không có quyền bãi bỏ. Và tôi cũng không hiểu Thủ tướng Phan Văn Khải đã thuyết phục thế nào, mà cuối cùng thì mọi chuyện cũng được giải quyết êm đẹp và kết quả đạt được là, trong giai đoạn 2000 – 2005, số doanh nghiệp thành lập mới gấp 4 lần 10 năm trước đó và số vốn đăng ký gấp hơn 13 lần.
3.
Kể từ năm 2000, chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005, 2014 và năm 2020 mà tôi gọi vui là Luật Doanh nghiệp phiên bản 2.0; 3.0 và 4.0.
Cũng như trong công nghệ thông tin hay cuộc cách mạng của loài người, mỗi phiên bản là một sự đột phá, là một cuộc cách mạng. Tinh thần của Luật Doanh nghiệp cũng vậy, mỗi phiên bản là một sự đột phá với tinh thần xuyên suốt là “giương cao ngọn cờ” quyền tự do kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế, làm giàu cho mình và cho xã hội.
Năm 2005, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi và đây là cuộc cách mạng lần thứ hai. Hay nói đúng hơn, từ năm 2005, Việt Nam mới thực sự có Luật Doanh nghiệp khi “khai tử” Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2000). Có rất nhiều nội dung đổi mới tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 phù hợp với thực tế và thực tế đã chứng minh điều đó. Luật này tồn tại cho đến năm 2014 mới bị thay thế.
Luật doanh nghiệp năm 2020 là phiên bản 4.0 đã hoàn thiện hơn rất nhiều so với các phiên bản cũ, nhưng thời gian sẽ tìm ra những khuyết tật, vì không có gì là hoàn hảo.
Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại mới thấy, có những thứ quy định rất… ngớ ngẩn và cũng chẳng hiểu sao vẫn tồn tại cho đến tận phiên bản Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Ví dụ, quy định về con dấu. Theo đó, con dấu là tài sản của doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp chỉ có một con dấu và phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 được ban hành, trên một tờ báo có uy tín vẽ hình một bàn cờ vua, trên đó có một con dấu và 2 quân cờ có uy lực nhất bàn cờ là vua và hậu quỳ lạy con dấu với lời chú thích: “Xin bái lạy đại ca”.
Tôi vẫn giữ tờ báo này. Đúng là với vai trò đặc biệt đã được luật hóa, thì không thể gọi là “con dấu” mà phải gọi đúng bản chất là “ông dấu”, “cụ dấu” hay “đại ca dấu”. “Đại ca dấu” có uy quyền tới mức, một doanh nghiệp có trụ sở ở Vĩnh Phúc, nhưng có nhiều nhà máy ở các địa phương khác phải bố trí một xe ô tô 4 chỗ và một tài xế chỉ làm nhiệm vụ buổi sáng chở “đại ca dấu” đến các địa phương nơi doanh nghiệp có phân xưởng, và tối chở “đại ca” về trụ sở chính, vì việc bảo quản và lưu giữ “đại ca” tại trụ sở chính đã được luật định.
“Đại ca dấu” có quyền lực vô cùng lớn, thế mới có chuyện doanh nghiệp nào xảy ra tranh chấp trong ban lãnh đạo, ai nắm được “đại ca”, người đó nắm thế thượng phong. Có rất nhiều trường hợp giờ nghĩ lại thấy cười ra nước mắt. Đó là chuyện có lãnh đạo doanh nghiệp bị bãi nhiệm, ông ta bèn “thủ” dấu mang về nhà, thế là doanh nghiệp ngừng hoạt động. Có nhiều chuyện rất thật mà như đùa như vậy.
Quy định về con dấu gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp như thế, nhưng khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2014, đề xuất bỏ con dấu bị không ít người phản đối.
Tôi nhớ nhất một lần sang họp bên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Doanh nghiệp), có một đại biểu đứng lên phát biểu rất gay gắt trước đề nghị bỏ con dấu và cho rằng, nếu không quy định cụ thể về kích thước, hình dạng, nội dung, doanh nghiệp khắc hình con dấu to bằng… cái bàn là Liên-xô thì thế nào.
Ngay lập tức, chị Phạm Thúy Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) đứng lên phát biểu: “Đó là quyền của doanh nghiệp. Nhưng chắc chắn khi bỏ tiền ra kinh doanh, người dân muốn làm ăn chân chính, chứ không ai bỏ tiền ra chỉ để làm trò hề cho thiên hạ. Điều này đã được chứng minh, Luật Doanh nghiệp năm 2005 chỉ cấm đặt tên doanh nghiệp mà sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, ngoài ra, doanh nghiệp muốn đặt thế nào thì đặt, nhưng suốt 10 năm qua, hàng trăm ngàn doanh nghiệp được thành lập, chưa thấy doanh nghiệp nào đặt tên ngớ ngẩn, vô nghĩa, khó hiểu, quá dài…, mặc dù không bị cấm”.
Mặc dù nhiều đại biểu Quốc hội đã thông, nhưng khi thảo luận, vấn đề này vẫn tiếp tục nóng. Cuối cùng, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong đó chỉ quy định, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu. Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
Quả thật, lúc đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phải có tài “thuyết khách” hơn người, khi giải thích cách A mà đại biểu chưa thông, thì giải thích bằng cách B, nếu vẫn không “thông” thì sử dụng đủ mọi dẫn chứng về tác hại của con dấu để thuyết phục.
Dù vậy, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2014, trên một tờ báo điện tử có uy tín, một độc giả đã bình luận: “Xã hội sắp loạn rồi, vì sắp tới bỏ cả con dấu”. Rõ ràng, để thay đổi tư duy, dù đã được chứng minh là không phù hợp, không hề dễ dàng. Và đến Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì “con dấu” chính thức bị khai tử.
Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định, dấu của doanh nghiệp bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp ban hành.
Cũng phải nhắc lại, để được Quốc hội “thông” quy định này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng vô cùng vất vả trong việc “thuyết khách”, giải trình, tiếp thu nhiều lần và với rất nhiều đại biểu Quốc hội, vì trước đó, riêng nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 là phiên bản 4.0 đã hoàn thiện hơn rất nhiều so với các phiên bản cũ, nhưng thời gian sẽ tìm ra những khuyết tật, vì không có gì là hoàn hảo. Đến lúc đó, nếu may mắn, tôi sẽ được tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp phiên bản 5.0, sẽ tiếp bước các bậc tiền bối tiếp tục giương cao ngọn cờ tự do kinh doanh.