02 năm trong tình trạng phòng chống dịch Covid-19, Ngày thầy thuốc VN không được tổ chức long trọng để tôn vinh những thiên thần “Blouse trắng”. Nhưng ngày 27/02/2021 vừa qua Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM và Sở Y tế TPHCM đã phối hợp tổ chức trực tuyến Giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam” công bố 22 đề cử và được bình chọn 16 thành tựu Y khoa ấn tượng năm 2020. Đây là giải thưởng đầu tiên tập trung vinh danh những thiên thần “Blouse trắng” có những đóng góp giá trị cho sức khỏe cộng đồng; sau 03 tháng triển khai chương trình đã nhận được hơn 60 đề cử từ các cơ cở y tế, trường đại học trên cả nước. Hội đồng chuyên môn gồm 12 vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa trong các lĩnh vực y tế do PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM làm Chủ tịch Hội đồng, đã thống nhất chọn 22 đề cử để công chúng tiếp tục bình chọn 16 thành tựu y khoa ấn tượng năm 2020.
Một lớp giáo dục cho trẻ tự kỷ tại Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch
16 giải thưởng y khoa được vinh danh; ngoài 02 mô hình chống dịch Covid-19, có nhiều thành tựu y khoa nổi bậc được công chúng quan tâm hàng đầu là: Chương trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng và Phẫu thuật tách ca song sinh…Nhân sự kiện này, chúng tôi có cuộc trao đổi với BGH Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Chuyên gia Âm ngữ trị liệu và PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung – Nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Nguyên Cố vấn về Âm ngữ trị liệu, về thành tựu mà Trường được vinh danh.
Là người tiên phong đưa mô hình “Âm ngữ trị liệu” về Việt Nam, mang lại hạnh phúc cho người bệnh và được vinh danh giải thưởng Y khoa đầu tiên, PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung – Chủ tịch Hội Y học TPHCM, Phó chủ tịch Hội đồng chuyên môn giải thưởng có thể chia sẻ những khó khăn ban đầu?
PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung: đây là giải thưởng nhằm vinh danh những thành tựu có đóng góp cho sức khỏe cho cộng đồng. Khi Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đăng ký đề tài này, tôi hiểu là có 02 mục địch: thứ nhất để công đồng ghi nhận sự đóng góp của Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch trong lĩnh Âm ngữ trị liệu, mục đích thứ hai nhằm hướng đến phụ huynh – người thân của trẻ em tự kỷ hiểu rằng hiện nay tại Việt Nam có một mô hình giúp con họ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Khi Trường được vinh danh, tôi không thể tả hết được niềm vui về giá trị sự có mặt của Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam. Bởi vì; cách đây hơn 11 năm, khi lần đầu tiên đưa mô hình Âm ngữ trị liệu về VN, tôi chỉ mong muốn đơn giản là có thể điều trị cho trẻ em mổ hở hàm ếch sau mổ có thể nói được bình thường và trẻ em cấy ốc tai có thể nói được. Nhưng khi trẻ được tập về Âm ngữ trị liệu, chúng tôi phát hiện có thể giúp được trẻ tự kỷ. Từ đó chúng tôi đào tạo kỹ năng chăm sóc trẻ đặc biệc cho giáo viên nhằm phổ biến trên toàn quốc, từ Đà Nẵng cho tới Hà Nội, từ đây Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch thành lập ra mô hình trải nghiệm về Âm ngữ trị liệu cho đến khi hoàn chỉnh. Khi một giáo viên hay cán bộ y tế tham gia lớp đào tạo thì họ sẽ có mô hình để áp dụng tại địa phương hoặc cơ sở điều trị của chính họ. Mô hình này hiện nay thành công rất lớn, chúng tôi đã giúp được nhiều trẻ hòa nhập vào cộng đồng, bước vào lớp một của các trường phổ thông. Đó là điều mà chúng tôi vô cùng hạnh phúc, bởi đó là kết quả mà chúng tôi đã mày mò trong nhiều năm, với bao khó khăn về nhân sự và sự thuyết phục phụ huynh đồng hành với chúng tôi. Chúng tôi không ngờ rằng cộng đồng đã ghi nhận và bỏ phiếu bình chọn cho thành tựu y khoa này. Khó khăn nhất là lúc chúng tôi mời đoàn chuyên gia Úc sang giảng dạy khóa đầu tiên cho 33 học viên Âm ngữ trị liệu, khi ít người biết đến Âm ngữ trị liệu là gì để công nhận đó là một ngành chuyên môn bên cạnh chuyên khoa Phục hồi Chức năng. Vì vậy mà chuyên viên hoạt động về Âm ngữ trị liệu đều phải lấy danh nghĩa “chuyên viên vật lý trị liệu, chuyên viên điều dưỡng”…Thật sự khó khăn khi công nhận họ là chuyên viên “Âm ngữ trị liệu” để họ làm việc một cách thoải mái, nhưng họ không nản chí mà cố gắng thực hiện những điều đã học để có được thành tựu hôm nay.
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp trả lòi phỏng vấn của báo chí, sau khi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được vinh danh giải thưởng Y khoa cho Chương trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng.
Với vai trò là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Phòng khám Đa Khoa Phạm Ngọc Thach, bác sĩ có suy nghĩ gì về giá trị vinh danh cho Chương trình đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng của Trường?
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hiệp: niềm vui đầu tiên là Tập thể và nhân viên Phòng khám hết sức vui mừng, sung sướng vì đã làm được một việc đóng góp cho xã hội và cho Ngành. Khi thành lập Phòng khám đa khoa Trường đã chọn mô hình vừa giảng dạy vừa trị liệu, lấy trẻ làm trung tâm và chuyên gia giảng dạy. Đây là mô hình liên kết phối hợp, để từ đó đầu tư đội ngũ nhân sự – đào tạo bài bản qua các lớp huấn luyện Âm ngữ trị liệu. Nhờ thực tế đó đã đạt được kết quả tốt đẹp, chương trình có thế chuyển giao quy mô cho toàn quốc, vì nhu cầu chăm sóc trẻ tự kỷ rất lớn, cần nhiều đơn vị hoạt động bài bản. Để có thành tựu ngày hôm nay, phải kể đến công lao của PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung – Nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Nguyên Cố vấn về Âm ngữ trị liệu là cực kỳ to lớn, phải nói nguyên thủy của ý tưởng triển khai về Âm ngữ trị liệu được PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung ấp ủ từ thời là giám đốc bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, bản thân tôi là một trong những người trực tiếp làm việc với cô, ở góc độ là một nhân viên – giảng viên của trường Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Chính cô đã đặt nền móng để triển khai từ bệnh viện Tai mũi họng và Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, từ viên gạch đầu tiên đó, nhiều hoạt động được triển khai như: đào tạo, nghiên cứu, huấn luyện, triển khai mô hình…trải qua một qúa trình rất dài mới có được thành tựu như hôm nay, tạm gọi là giải quyết ở giai đoạn một, để từ đó phát triển lên, nhằm chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu, quan trọng nhất là hỗ trợ cho trẻ tự kỷ được hòa nhập với cộng đồng.
ThS.Hoàng Văn Quyên – Chuyên gia Ngôn ngữ trị liệu của Phòng khám Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết về hoạt động của Chương trình đư trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng.
Âm ngữ trị liệu bao gồm những dấu hiệu bệnh lý nào, hay chỉ riêng về bệnh tự kỷ? Chuyên gia có thể nói rõ hơn về quá trình hoạt động của Chương trình Âm ngữ trị liện của Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch trong thời gian qua?
ThS.Hoàng Văn Quyên – Chuyên gia Ngôn ngữ trị liệu: Âm ngữ Trị liệu là một chuyên ngành Y khoa, thuộc chuyên khoa Phục hồi Chức năng, Âm ngữ Trị liệu được quốc tế công nhận liên quan đến việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị cho những “đối tượng” khó khăn về: tương tác, giao tiếp xã hội, ngôn ngữ, lời nói, giọng nói, nói lắp, nghe và ăn – nuốt…là ngành thuộc về lĩnh vực Phụ hồi chức năng. Đối với trẻ tự kỷ sẽ được hướng dẫn về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ăn uống, kỹ năng ngũ và đi vệ sinh…cuối cùng là giúp cho trẻ có phương pháp, kỹ thuật nhận định đúng, để phụ huynh giúp trẻ tự kỷ sinh hoạt hằng ngày, trong môi trường tự nhiên. Khi chẩn đoán một trẻ bị tự kỷ cần đến nhiều bác sĩ chuyên khoa như: tai mũi họng, tâm lý, vật lý trị liệu, chuyên viên tâm lý, chuyên viên giáo dục đặc biệt…Tất cả ngồi lại với nhau để huấn luyện cho phụ huynh từng lĩnh vực, vì trẻ tự kỷ rất lăng xăng và khó giao tiếp bằng lời nói, trẻ có sự rối loạn về giác quan. Mô hình âm ngữ trị liệu tại Phòng khám được kết nối với bác sĩ thần kinh, tai mũi họng, tâm lý…huấn luyện cho phụ huynh thông qua công cụ hình ảnh. Mô hình tại Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch được chúng tôi phối hợp đa chuyên ngành, nhiều thầy cô giáo can thiệp, lấy phụ huynh làm trung tâm để đưa trẻ hòa nhập cộng đồng. Thành tựu có được hôm nay là quá trình thành công khi chúng tôi đưa được 75 trẻ hòa nhập vào cộng đồng và 255 trẻ đang can thiệp, thực hiện từ cuối năm 2017 đến 2020, chương trình mới được vinh danh y khoa. Một quy trình can thiệp cho trẻ tự kỷ được chia ra làm 03 lớp nhỏ như: can thiệp sớm dành cho trẻ dưới 05 tuổi, khi chẩn đoán xong thì đưa vào lớp này. Lớp sau 05 tuổi thì đánh giá đứa trẻ có lời nói không, có ngôn ngữ hiểu và một chút ngôn ngữ diễn đạt không, sau đó các bé sẽ học lớp tiền học đường để chuẩn bị vào học đường. Còn một nhóm nữa ở độ tuổi 7 – 8 – 9; các bé không có lời nói, không có cách giao tiếp, rối loạn tự kỷ rất nặng để đưa vào lớp chuyên về dạy kỷ năng sống.
Phó.GS.TS.BS Ngô Minh Xuân – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ:
Trước tiên là hoan nghinh Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM phối hợp với Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức trao giải thưởng vinh danh Y khoa. Lần đầu tiên Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nhận được giải thưởng này, là đơn vị đào tạo và tiến hành thực nghiệm thì đây là chương trình tương đối dài hơi. Đối với Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch, dù chỉ hơn 03 năm hoạt động nhưng đã thấy được vai trò hướng tới phương pháp trị liệu dành cho cộng đồng, gần đây tình trạng tự kỷ khá nhiều Trường hướng đến đào tạo chuyên môn cao. Trường đã xác định là nơi định hướng đến chăm sóc sức khỏe cho cả nước, với hơn 9.000 sinh viên theo học tại Trường, sắp tới Trường sẽ gia tăng thêm nhiều mã ngành học, đặc biệt là mã ngành mới, chưa từng có hoặc một hai trường ở Việt Nam, Trường phối hợp với nhiều đơn vị để đào tạo đội ngũ chuyên gia phù hợp với sự phát triển của Ngành y thế giới. Hiện nay Trường có 08 khoa, sắp tới sẽ mở thêm Khoa Y học Cổ truyền và trong đó có Âm ngữ trị liệu…là ngành châm phát triển so với thế giới, muốn mở mã ngành này chúng tôi phải có ít nhất 02 tiến sĩ và 03 thạc sĩ. Trường đã cử người đi học để sớm có thể mở được những mã ngành này, vì hiện nay chúng tôi đào tạo là “liên tục y khoa”, chưa phải chính thức, mới chỉ là thí điểm. Trường mong muốn khi đủ nhân lực và vật chất sẽ xin mở mã ngành đào tạo chính thức đối với Âm ngữ trị liệu.
Giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam”, có nhiều đề án khá ấn tượng trong việc chăm sóc sức khỏe công đồng như: đề án hỗ trợ người khuyết tật tại cộng đồng, hệ thống phản ứng khẩn cấp giải quyết sự cố an ninh trật tự trong bệnh viện, kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân và huyết tương giàu tiểu cầu, trung tâm đột quỵ, ngân hàng sữa mẹ, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, phẫu thuật Robot da Vinci trong ngoại khoa…