TX An Nhơn (Bình Định) hiện có 24 làng nghề, dẫn đầu tỉnh về số lượng làng nghề (19 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 5 làng nghề nông nghiệp). Những năm qua, thị xã chú trọng công tác đầu tư hạ tầng, khuyến công, giúp các làng nghề thích ứng yêu cầu phát triển mới của thị trường.
Để giúp các làng nghề được bảo tồn, duy trì và phát triển ổn định, ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, hằng năm, TX An Nhơn trích ngân sách từ 500 – 700 triệu đồng để hỗ trợ cho cơ sở, hộ làm nghề mua sắm máy móc sản xuất, quảng bá sản phẩm…
Làng nghề bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc) phát triển ổn định, sản phẩm tiêu thụ mạnh tại thị trường Tây Nguyên.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, làng nghề rượu Bàu Đá và làng nghề bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc) phát triển ổn định. Chị Đoàn Thị Hiền, chủ cơ sở rượu Lê Đình Ưng (ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc), cho hay: “Hộ làm nghề ở làng rượu Bàu Đá được Nhà nước hỗ trợ nồi nấu rượu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, cuối năm 2020, nhà thờ tổ làng nghề rượu Bàu Đá được thị xã hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành, đáp ứng nhu cầu tinh thần của bà con làng nghề. Sắp tới, chúng tôi sẽ được hỗ trợ thêm mẫu chai rượu thủy tinh”.
Vài năm trở lại đây, làng nghề bánh tráng Trường Cửu được đầu tư xây dựng đường bê tông nông thôn, sân phơi bánh tráng tập trung, giúp cơ sở, hộ làm nghề thuận tiện hơn trong sản xuất, vận chuyển sản phẩm. Nhiều hộ làm nghề từng bước ứng dụng máy móc nâng cao hiệu quả sản xuất. “Năm 2016, tôi đầu tư 70 triệu đồng mua máy tráng bánh, mỗi ngày tráng 150 – 200 kg gạo, tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, xã cũng họp dân bàn phương án hỗ trợ cho cơ sở, hộ làm nghề ở địa phương bao bì đóng gói sản phẩm bánh tráng Trường Cửu”, anh Trần Kim Định, ở thôn Trường Cửu, chia sẻ.
Với hơn 80 cơ sở, hộ làm nghề, làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc) có khoảng 700 lao động ổn định việc làm. Theo ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, từ các nguồn vốn hỗ trợ, xã đã xây sân phơi dọc đê kè sông Côn để làm sân phơi tập trung cho bà con làm nghề, hỗ trợ máy móc, xúc tiến quảng bá sản phẩm làng nghề. Sản phẩm bún Song Thằn được nhiều người biết đến; còn các loại bún, bánh An Thái cũng tiêu thụ trên toàn quốc, mạnh nhất là thị trường Tây Nguyên. Năm 2020, Nhơn Phúc đã thành lập HTX Bánh, bún An Thái nhằm hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tiến tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm.
Làng nghề bún, bánh An Thái (xã Nhơn Phúc) được TX An Nhơn hỗ trợ phát triển.
Đến nay, TX An Nhơn được UBND tỉnh công nhận lại 2 làng nghề truyền thống: Rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc), làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá); 4 làng nghề: Bánh tráng Trường Cửu (xã Nhơn Lộc), nón lá Thuận Đức, nón lá Nghĩa Hòa, nón lá Đại An (xã Nhơn Mỹ) theo quy định Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho biết: Thị xã tiếp tục rà soát để tổng hợp đề nghị UBND tỉnh công nhận lại các làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP. Riêng những làng nghề truyền thống trước đây được công nhận như làng nghề chu nhang Bả Canh (phường Đập Đá), làng nghề đan đát Đông Lâm (xã Nhơn Lộc), làng nghề cốm An Lợi (phường Nhơn Thành)… do số hộ làm nghề hiện không còn nhiều, nên sẽ đề nghị công nhận nghề truyền thống. Địa phương cũng sẽ chú trọng quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm, giúp làng nghề phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng đánh giá: TX An Nhơn thực hiện khá tốt việc hỗ trợ các làng nghề đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, mẫu mã, quảng bá sản phẩm… Để hỗ trợ bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề tại An Nhơn nói riêng, toàn tỉnh nói chung, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh để rà soát, đánh giá, công nhận lại các làng nghề.