Home / Kinh tế / Hội thảo khoa học: TP.HCM tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế

Hội thảo khoa học: TP.HCM tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cũng đã đặt mục tiêu năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước…

Toàn cảnh hội thảo

Sáng 30/03/2021; tại TP.HCM Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với UBND TP.HCM cùng các Sở – Ngành tổ chức hội thảo “TP.HCM – tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ chuyên ngành của các quận – huyện…

Hôi thảo lần này đã đề cập đến 03 nội dung chính: những yếu tố phát triển mới từ liên kết vùng để tạo động lực mạnh hơn cho kinh tế biển. Tầm nhìn, các mô hình phát triển và chiến lược hành động hay lộ trình phát triển. Kết nối chuỗi đô thị biển để kiến tạo các trung tâm sinh thái và kinh tế giá trị gia tăng cao tầm vóc quốc tế, khu vực và trong nước. Bao gồm 02 phiên thảo luận, phiên thứ nhất là phiên toàn thể với 02 bài báo cáo tham luận tổng thể, phiên thứ hai bao gồm phiên kinh tế và phiên quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – Võ Văn Hoan, phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – Võ Văn Hoan nhấn mạnh: tại buổi hội thảo hôm nay, chúng ta hướng đến mục tiêu trao đổi – thảo luận và hiến kế cho TP.HCM phát triển thêm một ngành kinh tế biển – vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và các địa phương phía Nam. Kinh tế biển là nền kinh tế mới nổi đã phát triển quá mạnh, thể hiện qua các ngành như: ngành nuôi biển, kinh tế dầu khí, du lịch biển, năng lượng tái tạo, an toàn giám sát hàng hải, dịch vụ biển…TP.HCM cần trở thành Trung tâm dịch vụ, với mô hình kinh tế mới là kinh tế biển xanh. Vươn ra biển lớn và hội nhập quốc tế, phải kết nối vùng quy hoạch đầy đủ, việc phát triển đất đai đang chuyển sang phát triển biển – TP.HCM chọn huyện Cần Giờ để phát triển liên kết biển.

Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: buổi hội thảo hôm nay nhằm xây dựng chuyên đề về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ở TP.HCM, đô thị ven biển đóng vai trò đầu tàu trong các tỉnh – thành phố ven biển cũng như cả nước. Năm 2020; TP.HCM chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh – thành ven biển, chiếm 25,1% tổng vốn FDI của các tỉnh, thành phố ven biển và 10,8% cả nước.

Phiên thảo luận quy hoạch

Tại phiên thảo luận chuyên đề quy hoạch, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương – Nguyễn Đức Hiển đã chủ trì, các bài tham luận phải đặt nội dung giới thiệu các thành tựu của các nước về xây dựng kinh tế biển và đô thị biển; tạo bước khởi đầu giúp TP.HCM xây dựng kinh tế biển theo vùng – miền.

Theo nhận định của chuyên gia, thường các cảng biển lớn ở Pháp đều là cơ sở công cộng của Nhà nước. Họ xử lý hơn 80% lưu lượng hàng hóa đường biển và thực hiện các hoạt động trong phạm vi địa lý của riêng họ. Tổng cục Giao thông vận tải và Cơ sở hạ tầng đường biển (DGITM) của Pháp – giám sát các cảng biển lớn và của 02 cảng tự trị Paris và Strasbourg. Nhà nước tích cực tham gia vào việc phát triển giao thông hàng hải của Pháp và đặc biệt thông qua chiến lược cảng quốc gia, đưa ra các sáng kiến ​​nhằm tăng khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của các cảng Pháp trong bối cảnh toàn cầu.

Phiên thảo luận kinh tế

Ở phiên thảo luận về kinh tế biển, do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – Võ Văn Hoan chủ trì; tại phiên thảo luận này các chuyên gia đưa ra nội dung liên quan đến phát triển đô thị biển – bắt đầu từ biển Cần Giờ.

Phân khu A Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có quy mô khoảng 771,05ha. Phía Đông giáp phân khu B và E, phía Tây giáp biển Đông (cửa sông Đồng Tranh). Phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc một phần giáp hành lang cây xanh cảnh quan đường dọc Biển Đông 1, đường dọc Biển Đông 2 và đường nội bộ ven biển Khu du lịch 30/4.

Nói đến việc phát triển đô thị biển, Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhấn mạnh: điều mà chúng ta cần làm không như các nước đã làm, xu thế đô thị biển của chúng ta sẽ chọn có thể là: cách xa nhau – gần nhau – xa nhau. Chúng ta cần đưa ra luận cứ cụ thể để phát triển Cần Giờ ra biển, khộng ảnh hưởng đến tương lai, vẫn đảm bảo được hệ sinh thái biển. Đó là cái chúng ta cần. TP.HCM phát triển đô thị biển hướng ra biển, cần hình thành hệ sinh thái biển – không phải dựa vào yếu tố thiên nhiên. Nó phải bao gồm hệ thống hoạt động: nương nhờ vào nhau, dựa vào nhau để sống

Dự án lấn biển Cần Giờ

Thế giới đã trải qua một số cuộc cách mạng kinh tế và công nghiệp trong quá khứ, gần đây nhất là cuộc cách mạng “internet”. Cuộc cách mạng tiếp theo sẽ là hàng hải, nó đã và đang được tiến hành. Biển là không gian phát triển mới của hành tinh; vì nó nằm ở ngã tư của tất cả các lĩnh vực thuộc về kinh tế, đáp ứng các nhu cầu của con người và cách sống của xã hội chúng ta: thực phẩm, chuyển đổi năng lượng, sức khỏe, khoáng sản, giao thông, giải trí.