Lễ hội du lịch Ba Vì “Khám phá và trải nghiệm mới”, diễn ra từ ngày 18/4, kéo dài đến tháng 8 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng.
Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Phấn đấu phục vụ 2,5 triệu lượt du khách
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ghi nhận những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì, đặc biệt là sự đồng hành, chung tay của các đơn vị du lịch trên địa bàn trong nhiều năm qua. Đồng chí Chu Ngọc Anh đánh giá, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng huyện Ba Vì đã có nhiều giải pháp để duy trì hoạt động du lịch, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, cố gắng thu hút 2,5 triệu lượt khách trong năm nay.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh và các đại biểu tham dự khai mạc Lễ hội du lịch Ba Vì – Khám phá và trải nghiệm mới. Ảnh HNM
“Một điều rất đáng biểu dương, đó là huyện Ba Vì đã mạnh dạn xây dựng và tổ chức các sản phẩm du lịch mới, khai thác tiềm năng về tự nhiên, khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới và thú vị”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhận xét.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố đang tổ chức Lễ hội Du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021, với chủ đề “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, sự kiện khai trương du lịch Ba Vì năm 2021, có chủ đề: “Ba Vì – khám phá và trải nghiệm mới” sẽ là điểm nhấn ấn tượng cho du khách. “Chúng ta hy vọng, với khí thế mới, du lịch Thủ đô và du lịch Ba Vì sẽ nhận được nhiều sự phối hợp, chia sẻ của các tỉnh, thành phố bạn. Thành phố trân trọng sự phối hợp trong thời gian vừa qua và mong muốn tăng cường hơn nữa việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, sản phẩm và lưu chuyển lữ hành giữa Ba Vì, Hà Nội với các tỉnh, thành phố bạn”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì chủ động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, bàn bạc, thống nhất, đưa ra lộ trình phù hợp để quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu du lịch trọng điểm để phát huy hết những tiềm năng, khả năng hiện có, nhằm phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững trật tự an toàn xã hội, đưa du lịch Ba Vì thực sự phát triển, xứng đáng là địa bàn trọng điểm du lịch của Thủ đô và đất nước.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, huyện Ba Vì có nhiều tài nguyên thiên nhiên, sơn thủy hữu tình với nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng, như: Thiên Sơn – Suối Ngà, Ao Vua, Khoang Xanh – Suối Tiên… Đồng thời, Ba Vì sở hữu nhiều di tích, di sản, đa dạng các dân tộc sinh sống: Mường, Dao… Với những tiềm năng này, Ba Vì có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao…
Huyện Ba Vì cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Để có thể phát huy được hết thế mạnh tiềm năng đang có, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì sẽ cố gắng gìn giữ tài nguyên, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, tăng cường truyền thông, quảng bá điểm đến. Ngoài ra, huyện Ba Vì cũng mong nhận được sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành để có thể đưa du lịch Ba Vì trở thành một trong những trọng điểm du lịch khu vực ngoại thành Hà Nội.
Các tiết mục biểu diễn trong lễ khai mạc. Ảnh HNM
Nhiều hoạt động hấp dẫn
Lễ hội du lịch Ba Vì diễn ra từ ngày 18-4, kéo dài đến tháng 8 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động phong phú, như: Tham quan Bản Cốc (xã Minh Quang) với trải nghiệm chợ phiên Mường – Dao, trong đó có hoạt động giới thiệu ẩm thực của đồng bào dân tộc, trưng bày nhà sàn dân tộc Mường, biểu diễn cồng chiêng; tham quan Khu du lịch Khoang Xanh với sản phẩm “Động băng tuyết”. Ban tổ chức cũng công bố nhiều sản phẩm du lịch mới: Lễ hội hoa lan Ba Vì diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8; trình diễn sản phẩm du lịch tại Khu du lịch Ao Vua, Khoang Xanh, Tản Đà Resort; giới thiệu các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp…
Ông Ngô Văn Tiếp – Giám đốc Công ty Trang Sơn Nghiêm, chủ dự án “Phiên chợ Mường – Dao Ba Vì”, chia sẻ: “Mục tiêu chính của dự án “Phiên chợ Mường – Giao Ba Vì” là bảo tồn nét đẹp văn hóa của chợ vùng cao của 2 dân tộc. Phiên chợ có 28 gian hàng, chủ yếu dành cho việc bán hàng của bà con gồm nông sản, thực phẩm và thuốc nam của người Dao. Để kích thích sự giao lưu mua bán, chúng tôi thực hiện chương trình hỗ trợ miễn thu phí từ nay đến hết năm 2021 cho tất cả gian hàng cho người dân kinh doanh đều. Đồng thời, 30% hàng hóa của người dân địa phương mang đến được các đối tác du lịch sẽ thu mua”.
Bên cạnh đó, “Lễ hội hoa lan” tại khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8/2021 với hàng nghìn cành hoa lan được bày trí dọc tuyến đường từ Hạ Sơn lên Trung Sơn rồi Ngoạn Sơn trong khu du lịch sẽ tạo cơ hội cho du khách chiêm ngưỡng các loài hoa lan đặc sắc.
Mô hình vườn hoa Mỵ Nương, với các chủ đề hoa: Cầu bình an, giải thoát, tỉnh thức, núi thuốc sẽ được giới thiệu đến công chúng.Giám đốc Khu du lịch Thiên Sơn Suối Ngà Đỗ Quốc Thái cho biết: “Với những sản phẩm du lịch mới và lợi thế về phong thủy, khí hậu, sự đa dạng văn hóa tôi mong rằng Ba Vì sẽ trở thành ngôi nhà thứ 2 của người dân Thủ đô. Đồng thời, Thiên Sơn Suối Ngà sẽ vẽ lên một hành trình để người dân thoát khỏi cuộc sống xô bồ, khói bụi đưa du khách về đến nơi nguyên sơ, không khí trong lành. Qua đó, du khách được an tâm, nghỉ dưỡng, nâng cao sức khỏe”.
Khi tham gia chuỗi sản phẩm “Ba Vì – khám phá và trải nghiệm mới”, du khách sẽ được thăm quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp như: Trang trại Đồng Quê (Bavi Homestead), Hợp tác xã cổ phần nông trại xanh, Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì xã Vân Hòa; Gia Trịnh ecofarm, Nông trang vui vẻ xã Yên Bài. Với những du khách muốn trải nghiệm di sản văn hóa, hoạt động “Khám phá núi Ba Vì – hành trình ký ức di sản” sẽ đưa du khách lên núi Ba Vì, lần lượt các độ cao 400 mét, 600 mét, 1.000 mét.
Khai mạc Lễ hội Du lịch Ba Vì năm 2021 với chủ đề “Khám phá và trải nghiệm mới”. Ảnh: TTXVN
Trong đó, ở độc cao 400, du khách được trải nghiệm rừng thông bạt ngàn với thảm cỏ xanh. Ở mốc cao hơn, công trình cũng tiêu biểu của người Pháp xây ở cốt 800m là khu cô nhi viện với những ô cửa, mái vòm xây dựng dở dang sau Cách mạng tháng Tám thành công. Và không chỉ có nhà thờ, khách sạn, biệt thự, trong nhiều tư liệu để lại cho biết người Pháp cho xây dựng cả một khu trại giam và sân bay lên thẳng ở cốt 1.100m. Sự tồn tại của gần 200 nền phế tích mà người Pháp để lại, hiện vẫn còn nguyên lớp tường đổ nát, rêu phong nằm rải rác giữa núi rừng Ba Vì.
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, chú trọng xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, với nhiều nỗ lực trong công tác chuẩn bị, UBND huyện Ba Vì tin tưởng rằng chuỗi các sự kiện chào đón mùa du lịch hè năm 2021 sẽ thu hút đông đảo khách du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch của huyện ngày càng phát triển.
Lễ hội là hoạt động khởi đầu cho Chiến lược phát triển du lịch huyện Ba Vì trong năm 2021, nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cũng như chương trình “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” của thành phố Hà Nội.
Lễ hội là hoạt động khởi đầu cho Chiến lược phát triển du lịch huyện Ba Vì trong năm 2021, nhằm hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động cũng như chương trình “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” của thành phố.
Sau lễ hội này, UBND huyện Ba Vì sẽ thực hiện kết nối với các đơn vị lữ hành, lưu trú tiếp tục xây dựng những sản phẩm du lịch mới cho Hà Nội, đồng thời tạo sự kết nối giữa các đơn vị để tăng lượng du khách trải nghiệm tại Ba Vì, hướng tới xây dựng Ba Vì trở thành một trong những vùng du lịch trọng điểm của Thủ đô.