Ngày 27/04/2021; trong khuôn khổ chương trình “Công nghệ Đột phá cho Quản trị tài sản công” (DT4PAG), Ngân hàng Thế giới (NHTG) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn và Khu Công nghệ Phần mềm thuộc ĐHQG-TP.HCM đồng tổ chức hội thảo “Ứng dụng Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công (DT4PAG) – Công nghệ không gian địa lý hỗ trợ ra quyết định”. Đây là hội thảo tiếp nối hội thảo tập huấn về ứng dụng UR-SCAPE tổ chức vào tháng 12/2020 trong giai đoạn khởi động của chương trình DT4PAG.
Với hơn 70 đại biểu đến từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng lãnh sự quán Anh, UBND TP.HCM, các trường đại học và viện nghiên cứu, các sở, trung tâm của tỉnh – thành…Trong đó có 28 người tham dự trực tiếp, 42 người tham dự trực tuyến thông qua Zoom Meeting, 10 đại biểu đến từ các công ty – có 05 công ty nước ngoài cùng tham dự là: Pratik Deb – Farmneed Agribusiness Private Limited – Kolkata, India; Swapnil Vijay Awaghade – Accenture – Mumbai; Charlemagne Losaria – Spatial Decisions Vietnam – Hanoi; Rien Dam – RVO – The Hague; Rumpa Aich – Jharkhand space application centre
Đại diện một số tỉnh – thành đã trình bày các sáng kiến ứng dụng công nghệ đổi mới quy trình quản trị cơ sở hạ tầng công, tài sản, đất đai đang được triển khai tại địa phương. Sáng kiến điển hình như: nền tảng theo dõi ngập lụt trực tuyến và hỗ trợ ra quyết định tại TP. HCM, ứng dụng Ur-Scape trong tác nghiệp quản trị tài sản công, ứng dụng viễn thám trong giám sát sụt lún đất tại TP.HCM, cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian tại TP. Huế…
Các chuyên gia của NHTG đã chia sẻ cụ thể về chương trình DT4PAG dựa trên 03 thành tố chính PPT: Con người (People), Qui trình (Process) và Công nghệ (Technology: gồm Nền tảng và Dữ liệu). Các chuyên gia còn trình bày về cách tiếp cận Tại sao (Why), Cái gì (What), Như thế nào (How) và Bước tiếp theo (Where Next) về các trường hợp ứng dụng công nghệ. Mục tiêu của DT4PAG là xác định những lĩnh vực cụ thể tại từng địa phương có thể áp dụng công nghệ không gian địa lý để cải thiện các tác nghiệp hàng ngày trong quản trị hạ tầng công, qua đó nâng cao hiệu quả dịch vụ.
Thông qua hội thảo, chương trình DT4PAG hướng tới việc thiết lập những chương trình hợp tác cụ thể với các tỉnh – thành ở Việt Nam áp dụng công nghệ đột phá giải quyết các vấn đề đô thị cấp bách các địa phương đang phải đối mặt. Hội thảo và tham vấn sẽ tạo nền tảng cho việc thành lập một Trung tâm Lan tỏa Công nghệ kết nối các đối tác đổi mới công nghệ trong nước và quốc tế để triển khai chương trình DT4PAG trong những năm tới.
Các nhà lãnh đạo với tầm nhìn xa của chính quyền cấp tỉnh – thành ở Việt Nam đang hướng đến chuyển đổi số và công nghệ đột phá để giải quyết tốt hơn thách thức quản trị tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự gắn kết giữa các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, các sáng kiến công nghệ tinh vi hơn như Trí tuệ Nhân tạo – Cách mạng công nghiệp 4.0 – Đô thị thông minh, các dữ liệu sẵn có với chuyển đổi số trong khu vực công theo hướng mang lại kết quả thực tế trong ngắn hạn đến trung hạn. Chính quyền địa phương có thể bị bó hẹp trong khuôn khổ các công nghệ lỗi thời và rời rạc, từ đó đem lại kết quả không hài lòng, hoặc không chú trọng đến phân bổ kinh phí vận hành và bảo trì trong việc ứng dụng công nghệ một cách bền vững.
Ngân hàng Thế giới và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đang phối hợp với các đối tác đổi mới công nghệ quốc tế và trong nước để hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi số quan trọng của chính phủ trong khuôn khổ Chương trình Công nghệ Đột phá trong Quản trị Tài sản công (DT4PAG). Chương trình sẽ giúp kết nối các sáng kiến đổi mới của địa phương với kinh nghiệm thực tiễn, qui trình, kỹ năng và dữ liệu để nhận ra giá trị của công nghệ số trong chuyển đổi quản lý tài sản công của chính phủ.