Home / Thể thao / Sân khấu lấy cảm hứng từ văn học, lịch sử, dân gian: cách tân để tạo sức hút

Sân khấu lấy cảm hứng từ văn học, lịch sử, dân gian: cách tân để tạo sức hút

Đời sống sân khấu Việt đang trở lại sôi nổi với nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ văn học, lịch sử, dân gian. Những câu chuyện rất đỗi quen thuộc với phần đông khán giả, như: Trương Chi – Mị Nương, vua Lý Thái Tổ, Dế Mèn phiêu lưu ký… giờ đây được các nghệ sĩ cách tân, mang hơi thở cuộc sống đương đại, qua đó tạo sức hút cho sân khấu.

Một cảnh trong vở kịch nói “Dế Mèn” do Sân khấu Lệ Ngọc thực hiện, phóng tác từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Dế Mèn phiêu lưu ký”.

Sử dụng yếu tố đương đại

“Thánh đường nghệ thuật” Nhà hát Lớn Hà Nội những ngày đầu tháng 4 này luôn rộn ràng với màn ra mắt vở kịch nói “Dế Mèn” do Sân khấu Lệ Ngọc thực hiện, phóng tác từ tác phẩm văn học nổi tiếng “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Dưới bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, những Dế Mèn, Dế Trũi, Dế Choắt, Cốc, Cào Cào, Xén Tóc… từ trang sách bước lên sân khấu sinh động, vui nhộn, đầy màu sắc nhờ sự lồng ghép của nhiều hình thức nghệ thuật, như: Kịch nói, múa rối, hay thủ pháp sân khấu lồng sân khấu. Đạo diễn cũng đưa tuồng, chèo, cải lương, quan họ… đan xen với nhạc rap, nhảy hiện đại, vừa đem lại chiều sâu văn hóa cho tác phẩm, vừa cuốn hút khán giả. Phấn khích sau khi thưởng thức vở “Dế Mèn”, em Nguyễn Vũ Khánh Linh (Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Em rất thích được tương tác với các nhân vật trong vở “Dế Mèn”. Khi xem, em thấy mình như được hòa vào hành trình khám phá thế giới của Dế Mèn vậy”.

Tương tự, thời điểm này các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang hăng say sáng tạo tác phẩm thứ hai trong dự án “Huyền sử Việt” mang tên “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Vở diễn được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh – một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng tâm linh người Việt. Đồng đạo diễn – Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho hay, truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh linh thiêng, huyền ảo là chất liệu phong phú để nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, vừa phát huy được tính truyền thống của nghệ thuật cải lương, vừa tận dụng được tính biến ảo của nghệ thuật xiếc.

Cùng thời gian này, Nhà hát Tuồng Việt Nam tích cực dàn dựng vở tuồng lịch sử “Làm vua” (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hoài Huệ). Tác phẩm là khúc tráng ca về vua “cờ lau áo vải” Đinh Tiên Hoàng do Đoàn nghệ thuật thể nghiệm của nhà hát thực hiện với nhiều “phá cách”. Trong khi đó, Sân khấu Lệ Ngọc cũng đang dàn dựng vở kịch nói “Làm vua” do nghệ sĩ Lê Quý Dương – người nổi tiếng với những ý tưởng thể nghiệm táo bạo và hoành tráng trên sân khấu, đạo diễn.

Trước đó, vở diễn “Trương Chi – Mị Nương” của Nhà hát Kịch Hà Nội cũng ra mắt khá ấn tượng. Tác phẩm được Nghệ sĩ ưu tú Phùng Tiến Minh phóng tác và đạo diễn từ truyện cổ tích dân gian Việt Nam, sử dụng nhiều thủ pháp hiện đại, như sân khấu quay, âm nhạc, vũ đạo… Cùng khai thác đề tài lịch sử bằng góc nhìn đương đại, vở “Lý Công Uẩn” (Nhà hát Chèo Hà Nội) về vua Lý Thái Tổ và vở “Thiên mệnh” (Nhà hát Cải lương Hà Nội) về Thái sư Trần Thủ Độ sẽ sớm ra mắt công chúng…

Đặt khán giả vào trung tâm sáng tạo

 

Một cảnh trong vở kịch “Trương Chi – Mỵ Nương” của Nhà hát Kịch Hà Nội

Sự đầu tư của các đơn vị nghệ thuật vào những tác phẩm khai thác chất liệu văn học, lịch sử, dân gian cho thấy, đây là kho tàng quý giá cho sân khấu hiện nay. Theo Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, những tác phẩm văn học nổi tiếng, câu chuyện lịch sử ý nghĩa và những tích truyện dân gian luôn chứa đựng bài học nhân văn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc… phù hợp để động viên, cổ vũ tinh thần nhân dân sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính vì thế, chúng dễ được khán giả đón nhận. Song, việc khai thác những đề tài này đòi hỏi sự thận trọng, chính xác và không làm sai lệch thông điệp gốc.

Còn Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đồng đạo diễn vở “Cây gậy thần” và “Thượng Thiên Thánh Mẫu” chia sẻ, khi thực hiện vở “Cây gậy thần”, ê kíp đã nhiều lần về Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm) – nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung để tìm hiểu, hình dung bối cảnh cho những ý tưởng sáng tạo. Với vở về Mẫu Liễu Hạnh, các nghệ sĩ đã mời Tiến sĩ Bùi Hữu Dược và Nghệ nhân ưu tú Phạm Hải Hậu cố vấn văn hóa tâm linh để bảo đảm sự chính xác. Theo Nghệ sĩ nhân dân Tống Toàn Thắng, muốn kéo khán giả đến với vở diễn mà nội dung lại quen thuộc, thì phải đem đến những trải nghiệm mới, mang tính giải trí cao, phù hợp với thị hiếu hiện đại.

Ở góc độ biểu diễn, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc cho rằng, phải tạo sự bất ngờ, hấp dẫn cho khán giả bằng những nhân vật mới. Chẳng hạn, vở “Dế Mèn” xuất hiện nhân vật Dế Mẹ khác nguyên tác để truyền thông điệp về tình mẫu tử cạnh những bài học về tình bạn, tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường… Với những tác phẩm khán giả biết rõ, nghệ sĩ phải đào sâu hơn trong cách thể hiện và tích cực tương tác, đặt người xem vào trung tâm sáng tạo.

Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Hướng Dương khẳng định, việc khai thác văn học, lịch sử, dân gian trên sân khấu cần được khuyến khích, nhằm tạo nên đời sống mới cho câu chuyện xưa, gìn giữ văn hóa dân tộc cho thế hệ hôm nay. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật kết hợp xây dựng những tác phẩm nghệ thuật mang tính đột phá trong sáng tạo, góp phần phát triển, thu hút khán giả đến với sân khấu.

Nguồn: hanoimoi.com.vn