Home / Du lịch / Gỡ khó cho lao động ngành du lịch

Gỡ khó cho lao động ngành du lịch

Gần 2 năm qua, dịch bệnh khiến nhiều lao động trong ngành du lịch gặp khó vì không có việc làm. Nhiều người phải chuyển sang các nghề khác. Trước tình hình đó, đại diện các hội, hiệp hội ngành nghề đã có các đề xuất để gỡ khó cho lao động ngành du lịch.

Hướng dẫn viên du lịch (bìa phải) đưa khách đi tham quan Bảo tàng Đà Nẵng trong tháng 4-2021. Ảnh: THU HÀ

Theo kết quả khảo sát từ Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng, năm 2020, Covid-19 đã làm sụt giảm lượng khách từ nhiều thị trường trọng điểm, kéo theo việc giảm mạnh số lượng nhân lực hoạt động trong ngành du lịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt giảm từ 50-70% số lượng nhân viên (cắt giảm ca làm, luân phiên, trao đổi, thời vụ…).

Phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu giữ lại các nhân sự cốt cán, có chuyên môn, vận hành. Một số vị trí việc làm như: nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên quốc tế, lái xe, phụ xe… suốt một thời gian dài không có việc làm do dịch bệnh kéo dài.

Anh Trần Thanh Toàn (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), nhân viên một khách sạn 4 sao trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp cho biết, qua các đợt dịch của năm 2020 và 2021, công việc rất bấp bênh, không ổn định nên anh tạm thời ở nhà phụ giúp gia đình bán tạp hóa và giao hàng cho khách. Nhiều lao động trong ngành du lịch khác cũng muốn chuyển đổi ngành nghề để vượt qua giai đoạn khó khăn chung này. 

Thế nhưng, do trải qua các đợt dịch kéo dài, nhiều người không còn tiền tích lũy, gặp khó về nguồn vốn. Vì vậy, được sự đồng ý về mặt chủ trương của lãnh đạo thành phố tại “Tọa đàm khôi phục và phát triển du lịch Đà Nẵng”, đầu tháng 4, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Quỹ) đã hỗ trợ Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng khảo sát nhu cầu đăng ký các gói hỗ trợ vay vốn cho lực lượng lao động du lịch trên địa bàn thành phố. 

Thông qua kết quả khảo sát, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng đã đề xuất phương án hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 được vay vốn. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ cho biết, quỹ đề xuất 2 nhóm đối tượng được vay, dự kiến 1.000 người gồm: người lao động trong lĩnh vực vay vốn để chuyển đổi ngành nghề (chuyển hẳn sang nghề mới) hoặc vay vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh phục vụ du lịch (bổ sung vốn lưu động kinh doanh nhà hàng, sửa chữa phương tiện vận chuyển…) và người lao động ngành du lịch bị thất nghiệp, vay vốn để trang trải cuộc sống gia đình (đang chờ việc làm khi du lịch khôi phục trở lại sẽ tiếp tục làm phục vụ ngành du lịch). 

Mỗi nhóm đối tượng sẽ có những quy định riêng; mức cho vay, thời hạn cho vay và lãi suất nhất định. Tổng số vốn dự kiến vay của người lao động trong ngành khoảng 65 tỷ đồng. Sau khi được lãnh đạo UBND thành phố phê duyệt các phương án cho vay, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch thành phố hỗ trợ Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hình thành tổ công tác hỗ trợ cho các lao động đủ điều kiện tiếp cận nguồn vay theo đúng quy trình đã đề ra. 

Ông Cao Trí Dũng cho biết thêm, trước đó Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đưa ra các đề xuất, giải pháp để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ngành du lịch như: tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, giảm các loại chi phí phát sinh đối với doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng… Mới đây, từ ý kiến của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, hiệp hội cũng có văn bản gửi Sở Công thương, Bộ Công thương xin giảm giá điện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để chuẩn bị nguồn nhân lực an toàn phục vụ du lịch
Chủ tịch Hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng Lê Vinh Quang cho biết, hội vừa có Công văn số 05/HVC-VP gửi các cơ quan chức năng thành phố hỗ trợ phương án tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho lái xe và nhân viên phục vụ trên các xe du lịch nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc tái khởi động các hoạt động du lịch của thành phố. Hiện Hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng có khoảng 300 chủ doanh nghiệp là hội viên hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển du lịch với khoảng 2.000 lái xe du lịch và hơn 250 nhân viên phục vụ trên xe du lịch (xe du lịch từ 30 chỗ ngồi trở lên mới có nhân viên phục vụ).

Theo Hội Vận chuyển du lịch Đà Nẵng, việc chuẩn bị nguồn nhân lực an toàn phục vụ du lịch khi dịch bệnh được khống chế, nhất là lực lượng lao động lái xe du lịch, nhân viên trên xe du lịch trực tiếp phục vụ du khách khi tham quan Đà Nẵng là hết sức cấp thiết.

Theo ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, qua khảo sát của hội, khoảng 40% hướng dẫn viên đã chuyển đổi ngành nghề, 30% đang thất nghiệp, 30% đang hoạt động nghề (khi không có dịch bệnh); 70% hướng dẫn viên sẽ quay trở lại công việc sau khi du lịch được phục hồi. Tuy nhiên, để duy trì cuộc sống trước mắt, nhiều hướng dẫn viên, lao động ngành du lịch mong muốn được hỗ trợ, vay vốn để chuyển đổi ngành nghề, có thu nhập. Nếu được hỗ trợ bằng các khoản vay vốn, đây sẽ là những chiếc “phao” để giúp người lao động ngành dịch vụ du lịch vượt qua khó khăn.

Nguồn: baodanang.vn