“Nhà giáo trên tuyến đầu chống dịch” là chủ đề giao lưu trực tuyến trên báo Giáo dục và Thời đại điện tử sáng ngày 25/08/2021.
Chương trình giao lưu có sự tham gia của các khách mời là: PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, ông Võ Ngọc Thạch – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Nai, cô Nguyễn Thị Thu Hạnh – GV Trường Tiểu học Võ Cường 02 – TP Bắc Ninh.
Ngoài công tác chuyên môn; cán bộ, giáo viên Ngành giáo dục đã có những đóng góp không nhỏ cùng tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các thầy cô đảm nhận rất đa dạng; có thể là tham gia chốt, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, hoặc tham gia test sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng, hậu cần, nhập dữ liệu quản lý tình hình dịch bệnh…
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạc, TPHCM chia sẻ: thông qua buổi giao lưu trực tuyến này, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những chiến sĩ áo trắng tuyến đầu chống dịch nói riêng và toàn bộ lực lượng y tế nói chung. Nghĩa cử cao đẹp của lực lượng Ngành Y đã được đề cao hơn bao giờ hết, bởi hai chữ Y Đức. Mọi người đã tạm gác gia đình, cuộc sống cá nhân để sát cánh bên người dân. Còn với những sinh viên đang tham gia chống dịch; thầy cũng xin cảm ơn các em vì tinh thần dũng cảm xung kích, không ngại khó khăn, thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Khi trực tiếp đi thăm các em, thầy mới cảm nhận được sự cố gắng và sức trẻ của các em dù trong hoàn cảnh khó khăn. Sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói riêng và sinh viên ngành Y đang tham gia chống dịch đều xứng đáng được biểu dương. Tất cả hoạt động tham gia phòng, chống dịch đều được kêu gọi theo tinh thần tự nguyện. Trong thư kêu gọi, nhà trường đã liệt kê những yêu cầu cho từng vị trí. Giảng viên, sinh viên có thể thông qua đó chọn công việc và vị trí phù hợp cho tất cả mọi người vì TP.HCM đang cần thêm nhiều cánh tay nối dài trong công tác chống dịch. Đồng thời Ban chỉ đạo Phòng chống dịch của Trường cũng sẽ điều phối đúng người đúng việc, đảm bảo công việc hiệu quả. Các vị trí công việc đặc thù, tình nguyện viên sẽ được tập huấn trước khi tham gia. Ngay từ thời điểm đầu của đợt dịch lần thứ 04, nhà trường đã gửi thư kêu gọi đến các khoa, phòng, bộ môn để huy động nguồn lực tham gia phòng chống dịch. Đến này, Trường đã huy động được 2.006 giảng viên đang hỗ trợ công tác chống dịch. Các giảng viên, tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch đều có tinh thần xung kích chống dịch mạnh mẽ, sẵn sàng tạm gác công việc và gia đình, lên đường tham gia chống dịch. Trong quá trình tham gia, nhiều giảng viên phải tiếp xúc với những ca F0 từ triệu chứng nhẹ đến trở nặng với khoảng cách rất gần. Nhưng không vì thế mà nao núng hay đòi hỏi bất kỳ điều gì cho bản thân. Trong suốt thời gian tham gia, các bạn luôn toàn tâm, toàn ý mang hết tài năng, trí tuệ của mình sát cánh cùng các nhân viên y tế quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp đỡ nhân dân.
PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạc TPHCM (Thầy áo trắng ở giữa), hỗ trợ sinh viên Trường tham gia tình nguyện Đội Taxi Cấp cứu.
Đặc thù của một trường đại học khối ngành sức khỏe là không chỉ tập trung vào công tác đào tạo mà còn phải thực hiện trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng động nên trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Y nói chung và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang gánh trên vai hai trọng trách rất lớn. Một là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hai là hỗ trợ TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh.
Nhưng đây cũng là cơ hội để các giảng viên và học viên sau đại học của Trường được nâng cao tay nghề, tác nghiệp dưới áp lực cao, học hỏi được những kiến thức mới của dịch bệnh Covid-19. Đối với sinh viên, đây sẽ là cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, ứng dụng kiến thức, rèn luyện năng lực chuyên môn và sát cánh cùng các nhân viên y tế dày dặn kinh nghiệm. Đây cũng là một bài kiểm tra về mặt y đức và chuyên môn cho nhân viên y tế và sinh viên ngành Y, nâng cao tinh thần trách nhiệm với sức chăm sóc sức khỏe cộng động.
Ông Võ Ngọc Thạch – Phó GĐ Sở GD&ĐT Đồng Nai nhận định: đối với Đồng Nai, trong giai đoạn cao điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 04; đã có những cán bộ, giáo viên, nhân viên và trẻ em, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên nhiều phương diện. Thầy cô và các em học sinh cũng gặp phải một số khó khăn về sức khỏe, điều kiện sống trong các khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung hoặc đi điều trị vì là F0. Một số thầy cô làm việc tại các đơn vị ngoài công lập gặp phải khó khăn về kinh tế. Để hỗ trợ giáo viên và người học, ngoài các chính sách chung của nhà nước, ngành Giáo dục đã có sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực. Cụ thể như sau:
Triển khai hỗ trợ 303 triệu đồng cho các giáo viên, học sinh diện F0, F1 (đã hỗ trợ 30 giáo viên và 176 học sinh diện F0; 73 giáo viên và 189 học sinh diện F1) từ nguồn quỹ Tấm lòng vàng ngành giáo dục và Quỹ tương trợ giáo dục vùng khó khăn do Sở GD&ĐT quản lý, quỹ hỗ trợ giáo viên, nhân viên mắc bệnh nan y và qua đời do Công đoàn ngành Giáo dục quản lý. Hỗ trợ 10 tấn rau củ, 200kg gạo cho các trường hợp đang ở trong khu phong tỏa, ưu tiên gia đình học sinh tại phường Trảng Dài, Hóa An, Long Bình, Trường THCS Hòa Bình…Phối hợp với quỹ học bổng Saigon Children, Liên hiệp hội các tổ chức hữu nghị tiếp tục hỗ trợ cho 429 học sinh có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh kéo dài với số tiền 445 triệu đồng; phối hợp với Công ty cổ phần giáo dục Thành Công (IGC) triển khai chương trình học bổng “Vượt qua Covid-19” trị giá 132 triệu đồng để trao 60 suất học bổng (2,2 triệu/suất) cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì dịch bệnh. Phối hợp với Công ty cổ phần dinh dưỡng Nuti Food tặng 542 hộp sữa bột dinh dưỡng, trị giá 185 triệu cho các trẻ em, học sinh trong các khu cách ly tập trung.
Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Nai khai giảng năm học mới 2021-2022 đối với bậc giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông là 12/9, với giáo dục thường xuyên là 18/9. Việc bắt đầu năm học mới bằng hình thức dạy-học trực tiếp hay dạy học trực tuyến sẽ tùy thuộc vào tình hình thực tế. Các phương án đều đã được tính toán, chuẩn bị.
Để chuẩn bị cho năm học mới, bên cạnh các chỉ đạo về mặt chuyên môn, Sở GD&ĐT sẽ tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch như chỉnh trang, vệ sinh trường lớp, nhất là với các trường được trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, đảm bảo trả lại không gian dạy-học sạch sẽ, an toàn, thoải mái nhất cho giáo viên, học sinh.
Đồng thời, rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện phòng dịch như bố trí phòng cách ly, phòng y tế, cơ số thuốc, máy đo thân nhiệt, khẩu trang dự phòng, đặc biệt là hệ thống nước sạch, xà phòng, nước sát khuẩn phục vụ nhu cầu rửa tay thường xuyên của học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch trong tình hình mới; xây dựng phương án xử lý khi có tình huống dịch; chuẩn bị phương án đón- trả học sinh, tổ chức giờ nghỉ giải lao,… đảm bảo các yêu cầu giãn cách, không tập trung đông người; tiến hành kiểm tra công tác phòng dịch đối với các đơn vị trước khi năm học mới bắt đầu.
Cô Nguyễn Thị Thu Hạnh – GV Trường Tiểu học Võ Cường 2, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết: dạy học trực tuyến là biện pháp khả quan nhất trong điều kiện tình hình dịch bệnh hiện nay. Với trẻ tiểu học cũng có không ít khó khăn và thuận lợi nhưng có lẽ khó khăn nhiều hơn. Bởi ở lứa tuổi các em, các kỹ năng sử dụng máy tính chưa thành thạo, đó lại là yếu tố quan trọng cho việc học trực tuyến. Khi các em học thường phải có người bên cạnh để hướng dẫn. Hoạt động dạy – học giữa cô và trò đôi khi không chủ động. Khó khăn khách quan phải kể đến là điều kiện học tập. Hầu hết các gia đình đã trang bị đầy đủ máy tính, điện thoại thông minh để con có thể tham gia vào lớp học trực tuyến. Tuy nhiên vẫn còn không ít gia đình kinh tế còn khó khăn, chưa có đủ điều kiện cho con học tập nên việc học của con không thể diễn ra. Để giờ học diễn ra liên tục thì đường truyền mạng phải tốt, không bị nghẽn.
Cô trò trường tiểu học Võ Cường 2 sẵn sàng cho năm học mới (Ảnh tư liệu).
Thực tế cho thấy, không phải lúc nào giờ học cũng có thể diễn ra theo đúng kế hoạch dự định. Vì vậy, để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất thì sự phối hợp của phụ huynh là điều quan trọng nhất. Đầu tiên là trang bị đầy đủ các phương tiện cho việc học tập của con: máy tính, điện thoại thông minh, đường truyền mạng tốt…có môi trường học tập yên tĩnh. Hướng dẫn con những kỹ năng cơ bản khi thực hành các thao tác trên máy tính hoặc điện thoại: tắt, bật tiếng, hình ảnh…Hỗ trợ con kịp thời khi con gặp khó khăn khi con tham gia lớp học. Liên hệ với giáo viên khi có thắc mắc….Khi gia đình và nhà trường cùng phối hợp và tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con thì việc dạy học sẽ đạt kết quả cao.
Đại dịch Covid-19 lần này đã đẩy TP.HCM và cả nước gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, ngành giáo dục đã vượt lên tất cả để góp cho xã hội vượt qua cơn đại dịch./.