Trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại có nhiều tác phẩm khắc họa nên bức chân dung con người miền núi thật thà, nhân hậu và dù khó khăn cũng không đầu hàng số phận. Nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim, thành kịch để công chúng hình dung được những khó khăn về vật chất, tinh thần của người dân miền núi và sẻ chia với họ…
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết về đề tài miền núi, lấy cảm hứng từ phiên chợ tình Khau Vai của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Cũng cần phải nói thêm, đây là cuốn tiểu thuyết có nguồn gốc từ kịch bản sân khấu “Chuyện tình Khau Vai” (2013) của ông đã được giới thiệu trên VTV1.
“Chuyện tình Khau Vai” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của tác giả, do Nhà xuất bản Văn học phát hành, dày gần 240 trang, kể lại câu chuyện tình đầy bí ẩn và cuốn hút của nàng Út – con gái của tộc trưởng người dân tộc Giáy, với chàng Ba người dân tộc Nùng nhà nghèo nhưng đẹp trai, tài giỏi. Hai người vô tình gặp nhau trong phiên chợ tình đầu xuân và đã hứa hẹn mãi mãi thuộc về nhau. Bi kịch của mối tình này là chính tộc trưởng người Giáy thời thanh niên cũng yêu một cô gái người Nùng và người này chính là mẹ của chàng Ba. Tìm cách vượt qua định kiến và tập tục, nàng Út và chàng Ba quyết định bỏ trốn lên đỉnh núi cao sinh sống…
Viết về đề tài dân tộc thiểu số là một thử thách không nhỏ đối với các tác giả người Kinh, nhưng tác giả “Chuyện tình Khau Vai” đã vượt qua được thử thách ấy. Người đọc có thể nhận ra lối ví von, đối đáp, tư duy gần gũi với đời sống miền núi, nhận ra tâm hồn con người trong truyện luôn gắn liền, giao hòa với tự nhiên, từ ngọn núi, con suối tới hòn đá, nhành cây; nhận ra những đoạn tả về đám ma và đám cưới của đồng bào 2 dân tộc Giáy và Nùng. Điều đó chứng tỏ tác giả am tường văn hóa, con người, đời sống đồng bào dân tộc Giáy, Nùng chứ không phải chỉ là kể chuyện, sao chép, mô tả đơn thuần…
Nguyễn Thế Kỷ đã dày công xây dựng “Chuyện tình Khau Vai” trở thành một cuốn tiểu thuyết độc đáo với một câu chuyện dày dặn, lớp lang bài bản, với hệ thống nhân vật, cảnh huống, cấu trúc ngôn ngữ, những mâu thuẫn và diễn biến hết sức hợp lý.
Đọc “Chuyện tình Khau Vai”, ta đau đáu trong lòng cảm giác luyến tiếc cho những chuyện tình dang dở nhưng lại ánh lên một niềm vui vì tấm lòng bao dung của người vợ, người chồng chấp nhận cho người chung chăn gối tìm lại người xưa ở một phiên chợ. “Cuộc đời hạnh phúc buồn đau/ Khau Vai đến hẹn tìm nhau chợ tình”… Có thể nói, tuy là tiểu thuyết đầu tay viết về đề tài miền núi, nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã để lại ấn tượng rất sâu sắc về một huyền thoại tình yêu rất đỗi nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng cao nguyên đá Hà Giang.