Sáng ngày 29/10/2021; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức Lễ Tốt nghiệp Khoá Ngôn ngữ trị liệu Nhi 2020 – 2021, hình thức trực tuyến trên nền tảng zoom của USAID trong tình hình dịch Covid–19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn. Có 42 Tân Chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu Nhi khoá 06 niên khoá 2020 – 2021 tốt nghiệp, trong đó có 05 Tân Chuyên viên đạt thành tích học tập xuất sắc và giỏi của toàn khoá được tặng giấy khen.
Ban tổ chức đã đón tiếp khách mời đến với chương trình trực tuyến bao gồm: PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS.BS Châu Văn Trở – Phó Trưởng Khoa Y Việt Đức – Phó Trưởng Phụ trách Phòng khám Đa khoa ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung – Nguyên Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp – Phụ trách chuyên môn kỹ thuật ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ThS.BS Trần Thị Hoa Vi – Trưởng Đơn vị đào tạo ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ThS Hoàng Văn Quyên – Điều phối Chương trình đào tạo Ngôn ngữ trị liệu, Cô Cao Phương Anh – Trưởng đơn vị Ngôn ngữ trị liệu, giảng viên trong và ngoài nước.
Phía dự án USAID có sự tham dự của bà Ritu Tariyal, bà Nguyễn Thị Hoa Lê – Đại diện USAID, ThS.BS Lê Quang Dương – Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khoẻ Bền vững VietHealth, ThS.BS Vũ Công Nguyên – Phó Viện trưởng Điều hành Viện Dân số, Sức khoẻ và phát triển PHAD…Ban tổ chức chào đón 42 học viên bác sỹ, điều dưỡng, Tâm lý, Giáo dục…là 42 tân Chuyên viên Ngôn ngữ trị liệu Nhi khoá 06 (2020 – 2021), trong đó có 01 chuyên viên khoá 05 và 100 đại biểu khách mời…tham dự buổi Lễ Tốt nghiệp với hình thức trực tuyến.
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: lễ tốt nghiệp khóa 06 lần này góp phần cho nguồn nhân lực đáng kể, nguồn lực nhân viên y tế này có thể hỗ trợ trẻ rối loạn ngôn ngữ, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Đây là việc hết sức quan trọng, vì tỷ lệ trẻ rối loạn ngôn ngữ đang gia tăng. Việc đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ giúp trẻ hòa nhập vào cộng đồng, sớm hòa nhập vào lớp một là điều hết sức cần thiết cho gia đình và xã hội, giúp trẻ có một tương lai và có một sức khỏe tốt nhất. Theo các điều tra thì tỷ lệ trẻ rối loạn ngôn ngữ, trẻ tự kỷ có xu hướng gia tăng, việc đào tạo đủ trình độ chuyên môn – đào tạo có mã ngành – mã nghề phù hợp, để nhân viên y tế có thể tác nghiệp trong hệ thống y tế của chúng ta là điều cần thiết. Nguyên nhân tăng rối loạn ngôn ngữ và tự kỷ ở trẻ; một phần do sự xáo trộn của xã hội, sự thay đổi đô thị hóa…
ThS Hoàng Văn Quyên – Điều phối Chương trình đào tạo báo cáo tổng kết khoá học 2020-202: kết quả đào tạo có 41/45 học viên tốt nghiệp đạt tỷ lệ 91% và 01 của khoá 05. Khoá học trải qua 04 học kỳ học thuật học tập trung liên tục tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và 06 Bệnh viện thực hành lâm sàng tại TP.HCM. Đầu vào của khoá học bắt buộc học viên phải có trình độ từ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội. Tuy nhiên với khoá học đặc biệt này thuộc dự án đầu tư và hỗ trợ cho 05 tỉnh ở 03 miền đất nước, do đó có 10/45 học viên có trình độ từ cao đẳng nên trước khoá học chính thức 10 học viên này đã qua lớp bổ sung kiến thức trong 03 tuần và được Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp Giấy chứng nhận. Đầu ra của khoá học Ngôn ngữ trị liệu Nhi; học viên phải thực hiện khám, chẩn đoán, can thiệp và tư vấn toàn diện trên các đối tượng trẻ em đang đang phát triển gặp các khó khăn về ăn, nuốt, nghe, nói, ngôn ngữ và giao tiếp.
Bà Nguyễn Thị Hoa Lê – Đại diện lãnh đạo USAID phát biểu sau khi nghe báo cáo: tôi rất vui mừng và phấn khởi, tổ chức USAID đã tài trợ toàn bộ kinh phí học tập và ăn ở cho 45 học viên thuộc 02 dự án VietHealth và PHAD dành cho 05 tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh./.