Chiều ngày 02/12/2021, tại trường ĐHBK TPHCM đã diễn ra lễ Ký kết thoả thuận Hợp tác Toàn diện giữa trường ĐHBK TP.HCM – ĐHQG TP.HCM và Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
Toàn cảnh buổi lễ ký kết
Tham gia buổi lễ ký kết; về phía Trường ĐHBK TP.HCM có sự hiện diện của PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng ĐHBK TP.HCM và các thầy cô trưởng các Khoa như: Quản lý Công nghiệp, Khoa Khoa học & Kỹ thuật máy tính, Khoa Khoa học Ứng dụng. Về phía trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch có sự hiện diện của PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng, cùng các trưởng đại diện các Khoa như: Y tế Công cộng, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng CNTT…Ngoài ra còn có sự tham dự của BS. Nguyễn Thế Dũng – Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ThS Nguyễn Hoàng Dũng – Phó trưởng Khoa Y ĐHQG TP.HCM.
BS. Nguyễn Thế Dũng – Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, người đã đề xuất ý tưởng hợp tác kết hợp giữa 02 Trường đại học.
Trước buổi lễ ký kết hợp tác; các bên đã trình bày một số ý kiến nổi bật có thể gắn kết bền vững về đào tạo giữa ĐHBK TP.HCM và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong giai đoạn “số hóa” và đặc biệt trong giai đoạn cần quản lý bệnh viện, quản lý y tế theo mô hình y tế điện tử như hiện nay.
Một số ý kiến từ ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch:
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có bộ môn Quản lý bệnh viện thuộc khâu tổ chức Quản lý Y tế dành cho lãnh đạo y tế nhưng học viên làm luận văn tốt nghiệp gặp trở ngại do thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ y khoa. Trường cũng đã tao phần mềm dự báo dịch bệnh nhưng sử dụng phần mềm của nước ngoài, hiệu quả không cao. Vì vậy rất cần sự hợp tác với ĐHBK TP.HCM để tạo ra một phần mềm mô hình dự báo dịch bệnh trong tương lai. Hiện nay, các bệnh viện đã có chính sách thay đổi trong quá trình phát triển theo hướng “số hóa”; Trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra đề án này vào mô hình y tế công cộng.
PGS. Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch nhận định: với mong muốn thông qua việc hợp tác này; ĐHBK TP.HCM có thể giúp đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đào tạo nhân lực y tế, quản lý chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, giúp cho hoạt động của các bệnh viện giảm thiểu quá tải, mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn dân thông qua ứng dụng khoa học công nghệ. Hai trường thống nhất triển khai đào tạo chương trình Thạc sĩ Quản trị Bệnh Viện (cùng phối hợp với Khoa Y ĐHQG) dự kiến tuyển sinh trong năm 2022. Đây là chương trình chú trọng vào đào tạo kiến thức quản trị cho các đối tượng công tác trong môi trường bệnh viện và các cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh. Vì là chương trình đầu tiên trong biên bản ghi nhớ thoả thuận hợp tác giữa 02 Trường, nhằm tạo tiền đề cho sự hợp tác trong các lãnh vực như: kỹ thuật y sinh, khoa học máy tính, ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán hình ảnh, khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), tư vấn xây dựng hệ thống công trình y tế…
Ý kiến từ ĐHBK TP.HCM:
Thực tế; đây là mô hình đào tạo hợp tác được đặt ra trong mùa dịch, trước đây ĐHBK TP.HCM cũng đã kết hợp với ĐH Y Dược TP.HCM nghiên cứu một đề tài dành cho y khoa trong gây mê nhưng gặp trở ngại vì thiếu sự hợp tác giữa nhân viên quản trị “AI” và bác sĩ chuyên khoa. Khoa Quản lý Công nghiệp nêu ý kiến: quản trị bệnh viện, chúng ta cần hợp tác giải quyết thực tế vấn đề quản lý bệnh viện và hệ thống y tế, cần đưa việc dạy thông qua bài tập thực tiễn để làm luận văn cụ thể.. Hệ thống y tế hiện nay chỉ giải quyết vấn đề chung cho xã xã hội; trong đào tạo chuyên ngành quản trị bệnh viện cần CNTT đưa vào y khoa, ứng dụng cần có dữ liệu y tế và cần có chuyên gia bác sĩ nghiên cứu về AI trong y khoa làm mô hình thí nghiệm.
Việc hợp tác giữa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐHBK TP.HCM đã có từ năm 2004; với các bộ môn kỹ thuật y sinh, mục đích của việc hợp tác này là tận dụng thế mạnh để tiết kiệm tài chính mang lại hiệu quả trong đầu tư. ĐHBK TP.HCM đã hỗ trợ ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đào tạo kỹ sư vận hành bảo dưỡng và bảo trì thiết bị y tế. Trong lần hợp tác này; đề xuất nghiên cứu đào tạo cử nhân hay kỹ sư quản trị bệnh viện, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tạo điều kiện cho cho y sinh thực tập thí nghiệm áp dụng lâm sàng, có Hội đồng đạo đức Y khoa giám sát mà ĐHBK TP.HCM không làm được điều này.
PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng ĐHBK TP.HCM nhấn mạnh: vấn đề hợp tác chúng ta phải lựa chọn công việc vừa tầm, ví dụ như ứng dụng công nghệ AI phục vụ cho ai? Cho bệnh viện nào hãy làm đề án cụ thể. Thao tác tác quản trị bệnh viện hiện nay còn theo phương pháp cũ, phần mềm manh múng không mang lại hiệu quả. Đề án hợp tác cần thời gian và nguồn nhân lực, chúng ta nên đưa ra quy mô trường hay một bệnh viện thuộc về TP.HCM, để làm mẫu cho phù hợp với thời gian. Vì quản trị bệnh viện phức tạp hơn trường, sau khi thành công trong việc chuyển đổi số, thay đổi quản trị bệnh viện, xây dựng phần mềm…Chúng ta đưa ra đề án lâu dài nhiều năm để quản trị bệnh viện tốt hơn, có mô hình gắn kết lý thuyết và thực tiễn, khi thành công thì chúng ta sẽ mở rộng và chuyển giao cho các bệnh viện Trung ương. Với thế mạnh là trường đại học có bề dày và truyền thống trong lãnh vực khoa học và công nghệ; chúng tôi mong muốn thông qua thoả thuận này có thể đóng góp nhiều hơn cho việc ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào lãnh vực y tế, nhằm nâng cao hiệu quả trong các hoạt động dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn dân.
Sau khi thống nhất các ý kiến đề xuất để chuẩn bị đưa ra đề án hợp tác cụ thể, bền vững Trường ĐHBK TP.HCM và ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch đã ký biên bản ghi nhớ việc thỏa thuận hợp tác, với sự chứng kiến của Khoa Y ĐHQG TP.HCM và các Khoa của 02 Trường./.