Chiều 12/01/2022; Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết Ngành Y tế năm 2021, do PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng – GĐ Sở Y tế TP.HCM chủ trì.
Tại hội nghị TS.BS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó GĐ Sở đã báo cáo các hoạt động nổi bật của Ngành Y tế TP.HCM năm 2021, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – GĐ Sở triển khai hoạt động trọng tâm của Ngành Y tế năm 2022.
Ngoài ra còn có các báo cáo chuyên đề như: thách thức và yêu cầu nâng cao năng lực của hệ thống dự phòng và HCDC trong tình hình mới, các vấn đề cần lưu ý trong công tác mua sắm cung ứng thuốc – vật tư và trang thiết bị y tế, triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, năng lực nguồn nhân lực y tế cơ sở…
Ngày 29/04/2021, TP.HCM ghi nhận ca nhiễm đầu tiên tại quận Bình Tân (từng tiếp xúc gần với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại tỉnh Hà Nam). Sau đó, tất cả các quận – huyện đều ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Nếu như vào thời điểm đầu tháng 05/2021, số ca mắc chỉ lẻ tẻ ở một vài quận – huyện thì chỉ sau 04 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2. Sau đó, số ca mắc trong tuần tiếp tục tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần. Giai đoạn này, TP.HCM đã thành lập 02 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện điều trị COVID-19 (4.238 giường).
Trong năm 2021 đạ triển khai thực hiện kế hoạch đề án “Phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Kế hoạch “Phát triển Dược lâm sàng, chuỗi cung ứng dược trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó là thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng…Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý nguồn nhân lực. Đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ cho nhân viên y tế. Tham mưu nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân: đạt 20,4 bác sĩ/10.000 dân, trên 30% Trạm Y tế có bác sĩ – nhân viên y tế được cử đi học tập tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế quận – huyện, thành phố Thủ Đức và Bệnh viện tuyến thành phố. Tham mưu phối hợp với ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân công ít nhất 200 sinh viên Y5, Y6 tham gia Trạm Y tế lưu động, Trạm Y tế phường, xã, thị trấn.
Trong năm 2021, ngành Y tế có 07 dự án khởi công mới bao gồm: dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, cải tạo nâng cấp Bệnh viện Răng Hàm Mặt, cải tạo xây dựng Bệnh viện An Bình (giai đoạn 2), đầu tư xây dựng công trình Khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương, đầu tư xây dựng công trình thay thế khu B và D của Bệnh viện Bình Dân.
Ngoài ra, còn có 10 dự án đang thi công như: xây dựng mới Bệnh viện Truyền máu Huyết học – Cơ sở 2, xây dựng khu chẩn đoán kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhân dân 115, xây dựng Trung tâm Pháp y TP.HCM, xây mới Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em (Khối 2), xây dựng mới khoa khám bệnh – Khối điều trị ngoại khoa (Khối 4A), xây dựng mới Trung tâm sơ sinh – chuyên khoa (Khối 5B), xây dựng thay thế khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định, xây dựng mới khối ngoại Bệnh viện Nguyễn Trãi, xây dựng mới Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp (Khối A1), dự án Trung tâm xét nghiệm Y khoa.
Năm 2021 là một năm mà Ngành Y tế TP.HCM đóng vai trò cực kỳ quan trọng; trong đó các chức năng y tế cơ sở không thể tách rời. Sau một giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM đã xác định “y tế cơ sở là then chốt”, để quyết định trao các TTYT quận – huyện cho địa phương quản lý.