Thời gian qua, những làn sóng dịch Cocvid-19 bất ngờ ập đến làm đảo lộn kế hoạch năm học, học sinh không thể đến trường trong thời gian dài. Giữa khó khăn, toàn ngành Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ không ngừng tìm tòi, sáng tạo, dần bắt nhịp ứng dụng chuyển đổi số để không gián đoạn việc dạy và học. Ðiều quan trọng là biến thách thức thành cơ hội, tạo nền tảng cho đổi mới toàn diện.
Bắt kịp chuyển động mới
Ngành Giáo dục TP Cần Thơ từ nhiều năm qua đã chỉ đạo các trường phổ thông khai thác, sử dụng hiệu quả “Trường học kết nối”; phần mềm SMAS, hồ sơ điện tử trong quản lý… đồng thời với đầu tư 27 điểm cầu kết nối trực tuyến ở các trường THPT. Từ đó, các trường phổ thông toàn ngành đồng lòng vượt khó, bắt kịp xu thế số hóa trong hoạt động quản lý và chuyên môn, để tổ chức dạy và học đạt mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo nhiệm vụ năm học và chất lượng giáo dục.
Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 của TP Cần Thơ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Những cánh én từ vùng ven
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Quý Ngỗi, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, chia sẻ rằng nhờ áp dụng các biện pháp quản lý trường học bằng công nghệ thông tin, mà hoạt động quản lý, hội họp chuyên môn của trường vẫn đúng kế hoạch trong bối cảnh dịch bệnh. Ðặc biệt, trong học kỳ I năm học 2021-2022, học sinh (trừ trẻ mầm non) của Cần Thơ phải học trực tuyến và các hình thức học khác để phòng tránh dịch COVID-19. Ðể thực hiện nhiệm vụ này, trường thành lập tổ công nghệ hỗ trợ thầy cô gặp khó khăn trong tiếp cận và kỹ năng công nghệ thông tin, nhờ vậy giáo viên toàn trường đã thành thạo vận dụng tin học trong giảng dạy. Hiện nay, tất cả thầy cô của trường đều có thiết bị để lưu trữ kho tài liệu, bài giảng của thầy cô, bài học của học sinh; gửi bài qua Gmail, zalo, messenger cho học sinh…
Có thể thấy rõ nỗ lực chuyển đổi số của các trường phổ thông từ câu chuyện của Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh. Dù ở vùng ven còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường đã nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên và đẩy mạnh số hóa trường học; đảm bảo nhiệm vụ giảng dạy trực tuyến. Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đã tổ chức và thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên toàn trường; bước đầu thực hiện số hóa trong các hoạt động giáo dục”. Hiện trường ký kết hợp tác toàn diện với VNPT Cần Thơ về số hóa trong trường học như: Tổ chức dạy học, kiểm tra, quản lý điểm, thông tin học sinh, quản lý hồ sơ chuyên môn… trên hệ thống LMS VnEdu.vn. Thầy Nguyễn Văn Lộc báo tin vui rằng, trường khuyến khích giáo viên xây dựng bài giảng E-Learning đưa lên hệ thống LMS VnEdu.vn và đã có 9 giáo viên tham gia cuộc thi bài giảng E-Learning toàn quốc do Bộ Giáo dục và Ðào tạo phát động.
Cùng vươn xa
Cô Nguyễn Thị Uyên Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT FPT Cần Thơ, cho biết bên cạnh tổ chức dạy học trực tuyến đảm bảo chương trình, nhà trường linh hoạt tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Ðiển hình là Ngày hội trực tuyến quốc tế STEM DAY 2021 chủ đề “Chất xúc tác của tương lai”, do Tổ chức Giáo dục FPT phối hợp với Trường Ðại học Công nghệ Petronas Malaysia tổ chức cuối tháng 5-2021. Cô Thúy chia sẻ: “Ngày hội đã cung cấp những kiến thức bổ ích về giáo dục STEM, tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh giao lưu cùng những chuyên gia giáo dục đến từ Trường Ðại học Công nghệ Petronas Malaysia”. Sắp tới, Trường THPT FPT Cần Thơ tiếp tục tạo điều kiện để giáo viên, học sinh đổi mới, sáng tạo dạy và học; đưa vào sử dụng ứng dụng phần mềm Edunext (phương pháp học tập kiến tạo xã hội); tăng cường kết nối phụ huynh tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp sở trường, năng lực học sinh.
Tinh thần này của Trường THPT FPT Cần Thơ, cùng các nỗ lực của toàn hệ thống giáo dục phổ thông, là minh chứng cho sự năng động bắt kịp xu thế mới trong giáo dục. Ngành Giáo dục TP Cần Thơ cũng linh hoạt, năng động trong chỉ đạo các trường tổ chức dạy học trực tuyến; có hướng dẫn tinh gọn chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Ðào tạo để các trường và thầy cô thuận lợi xây dựng chương trình giảng dạy trực tuyến; hướng dẫn chuyển đổi tổ chức các hoạt động trải nghiệm trên môi trường số… Tại Lễ Khai giảng trực tuyến năm học mới 2021-2022, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, kiêm Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, nhấn mạnh: 2021-2022 là năm học toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa bảo đảm an toàn trường học, vừa nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục. Ngành Giáo dục chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trên địa bàn thành phố; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa. l
Nhà giáo thời 4.0
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã thay đổi cách tiếp cận tri thức, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn. Các thầy cô đã nỗ lực vượt lên chính mình trong vận dụng kiến thức và công nghệ, để làm nên những giờ học sinh động, khơi dậy niềm say mê học tập, sáng tạo của học sinh.
Từ bỡ ngỡ đến thành thạo
Trong giờ dạy trực tuyến học sinh lớp 6A1, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên môn Ngữ văn, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Ngữ văn – Giáo dục công dân, Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh, thành thạo mở những bức tranh đồng quê tuyệt đẹp, để bắt đầu bài học “Vẻ đẹp quê hương”. Xen kẽ hình ảnh có câu hỏi, học sinh nêu cảm nhận, cô phân tích, đúc kết bài học… Lê Nguyễn Quốc Hưng, học sinh lớp 6A1, nói: “Em rất thích giờ học. Cô minh họa hình ảnh, lồng ghép trò chơi, câu hỏi, giúp chúng em hiểu, nhớ bài hơn”.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên Trường THCS Thị trấn Vĩnh Thạnh trong tiết dạy trực tuyến.
Dù có kinh nghiệm 15 năm đứng trên bục giảng và là giáo viên dạy giỏi, cô Hằng thừa nhận khi ngành Giáo dục thành phố chỉ đạo các trường chuyển sang dạy trực tuyến, bản thân cô khá băn khoăn, nhất là sợ học trò không tiếp thu đủ kiến thức. “Chuẩn bị tiết dạy trực tuyến 40 phút, tôi dành nhiều ngày để soạn bài giảng. Ðể tạo hứng thú cho học sinh, tôi sử dụng hình ảnh, clip, các trò chơi bằng ứng dụng Padlet và Quizziz…, đồng thời qua đó đánh giá học lực của học trò để điều chỉnh, bổ sung kiến thức”, cô Hằng chia sẻ. Bản thân cô cũng học kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tự học nâng cao kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin…
Cô Hằng cũng chia sẻ niềm vui về thành quả thực hiện tiểu dự án của học sinh. Ở môn học trải nghiệm trong điều kiện bình thường, học sinh tham quan di tích, trang trại, làm nông, làm báo tường… Học trực tuyến, học sinh trải nghiệm qua việc thực hiện tiểu dự án. Học sinh được giao chủ đề, hình thức thể hiện phù hợp năng lực và độ tuổi. Như cùng chủ đề Tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, học sinh khối lớp 6 chỉ thiết kế thiệp, chụp hình gửi nhóm lớp; trong khi học sinh khối 8 quay đoạn video có hình ảnh, thuyết trình… Cô tâm tình: “Khi làm sản phẩm và dự án, học sinh phát huy năng khiếu, sở trường. Sản phẩm của các em là tư liệu quý trong giảng dạy; bản thân tôi cũng cùng các em nâng cao kỹ năng tin học, đổi mới phương pháp dạy và học”.
Thực hiện sứ mệnh truyền cảm hứng
Cô giáo Nguyễn Khả Ái, giáo viên dạy môn Sinh học, Trường THPT FPT Cần Thơ, luôn cho rằng việc truyền cảm hứng học tập cho học sinh là một trong những sứ mệnh của người thầy. Giáo viên phải sáng tạo trong giảng dạy để thực hiện sứ mệnh đó, đặc biệt là trong bối cảnh dạy học trực tuyến. Vì vậy, cô đầu tư bài giảng công phu: PowerPoint đẹp mắt, nhiều hình ảnh minh họa; game hóa các hoạt động dạy và học; nhất là với trải nghiệm/dự án STEM cô hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu, mở rộng kiến thức bằng các hoạt động trải nghiệm tại nhà.
Ðiển hình việc thực hiện trải nghiệm STEM môn Sinh học lớp 11, để vận dụng kiến thức chủ đề “Trao đổi nước ở thực vật”, cô đặt vấn đề cho học sinh: Do dịch COVID-19, có những gia đình phải đi cách ly nhiều ngày, vậy ai sẽ tưới nước và chăm sóc các chậu cây, vườn rau trong nhà? Từ đề bài của cô, học sinh dựa vào kiến thức về nhu cầu nước và chất dinh dưỡng của thực vật, để đề xuất các giải pháp cung cấp cho cây trồng sao cho vừa tiết kiệm công sức, tiết kiệm nước, năng lượng, có thể điều khiển từ xa… Chủ đề này được thực hiện trong 4 tuần, học sinh hoặc là thiết kế và trình bày ý tưởng, giải pháp; hoặc tận dụng những vật liệu sẵn có, tái chế tại nhà để làm sản phẩm. Học sinh phải phối hợp làm việc nhóm trực tuyến, còn phải thiết kế, quay phim, biên tập, thuyết trình. Em Trương Ðông Nhi (quê Bạc Liêu), học sinh lớp 11A2, Tổ trưởng Tổ 2 của lớp, chia sẻ: Nhóm em có 6 bạn ở nhiều nơi khác nhau, dù chỉ gặp nhau trên không gian mạng chúng em đã sắp xếp chia công việc phù hợp. Trong 3 tuần, chúng em hoàn thành bài tập.
Còn cô Nguyễn Dương Bảo Trân, Tổ trưởng Tổ chuyên môn tổ 2, Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1 (huyện Phong Ðiền), hào hứng chia sẻ đoạn video cô dạy trải nghiệm liên quan đến môi trường. Ðoạn video được quay cuối tháng 10-2021, cô cùng đồng nghiệp chọn bối cảnh gần bờ sông, có lũy tre xanh rất đẹp, phù hợp với nội dung bài học. “Sau bài giảng này, học sinh hào hứng với cách dạy có bối cảnh thực tế, nên tôi tiếp tục phát huy. Giờ cầm điện thoại quay không còn bị run và cũng thành thạo sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng sao cho sinh động, quản lý lớp học hiệu quả, tạo không khí hăng hái học tập”, cô Trân trải lòng. Có 6 năm tuổi nghề, là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô Trân quan niệm tạo cho học trò niềm say mê học tập là quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay. Bởi có như thế học trò mới tự đào sâu và mở rộng kiến thức.
***
Trong giảng dạy trực tuyến, ngành Giáo dục TP Cần Thơ nhận định đội ngũ nhà giáo không chỉ phát huy vai trò người trao truyền kiến thức, mà còn giới thiệu với học sinh cách tự tiếp cận kho tri thức mở trong thời đại công nghệ số, giúp học sinh chủ động và sáng tạo trong học tập, định hình năng lực tự học suốt đời. l
Nền tảng đổi mới đào tạo
Số hóa công tác quản trị và hoạt động giảng dạy hiện là hướng đi góp phần giảm khoảng cách về chất lượng đào tạo giữa các trường, các vùng miền. Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng của TP Cần Thơ đã linh hoạt đầu tư các nguồn lực về đội ngũ và cơ sở vật chất, từ đó đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo nội lực đổi mới toàn diện.
Từ nền tảng nhân lực và cơ sở vật chất
Trong giờ dạy trực tuyến, TS Ðỗ Vinh Quang, Trưởng Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, giải đáp cặn kẽ các câu hỏi của sinh viên về điều khiển giám sát, thiết kế giao diện… Thầy tạo không gian mở cho sinh viên đặt câu hỏi, chứng tỏ sinh viên đã biết tìm kiếm thông tin, xác định bản thân cần kiến thức gì, chủ động, sáng tạo trong học tập. “Ðây là phương pháp giúp các em học tốt trong điều kiện trực tuyến và hình thành năng lực tự nghiên cứu”, thầy chia sẻ.
Giờ học trực tuyến của sinh viên Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ.
Thầy Ðỗ Vinh Quang được đào tạo thạc sĩ theo Ðề án Cần Thơ 150, được phân công về Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ năm học 2012-2013, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Ðức trong 4 năm cũng trong đề án trên. Thầy cho biết những khó khăn trong giảng dạy trực tuyến hiện nay được giải quyết nhờ nhà trường có đội ngũ giảng viên đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng để tổ chức lớp học trên không gian mạng đạt chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị, môi trường học tập được số hóa. Thầy nêu ví dụ: Với một số môn thực hành trên thiết bị, giảng viên có giải pháp sử dụng phần mềm Team Viewer, sinh viên ở nhà có thể điều khiển máy tính tại trường, qua đó điều khiển các thiết bị phần cứng trong phòng thí nghiệm. Ðể làm được điều này, trường có phòng máy, thiết bị và đường truyền đáp ứng yêu cầu.
Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ được thành lập tháng 1-2013, là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ. Hiện nay, trường có trên 90% cán bộ, viên chức đạt trình độ sau đại học. Cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm, phòng máy tính… được đầu tư hàng chục tỉ đồng để hiện đại hóa, phục vụ các ngành Kỹ thuật – Công nghệ, chuyển đổi số. Gần đây, trường triển khai sử dụng các phần mềm: PMT Education, PMT HRM, Egov và E-Learning tự thiết kế… trong quản trị trường học, tổ chức đào tạo.
Ở Trường Cao đẳng Cần Thơ, hơn 2 năm qua Ban Giám hiệu trường chỉ đạo giảng viên chủ động chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến, sử dụng 2 phần mềm thông dụng Google Meet và Zoom. Trường còn xây dựng phòng dạy trực tuyến với các máy tính hiện đại. TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: “Ðến nay, các thầy cô đều thành thạo trong kỹ năng tổ chức dạy trực tuyến; tự học nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng chuyển đổi số”.
Ðón đầu đổi mới
Việc số hóa tạo hiệu quả tích cực trong hoạt động ở 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học và 9 trường cao đẳng (chưa kể hệ thống các trường trung cấp) đóng trên địa bàn TP Cần Thơ. Ðiển hình là công tác tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021, với câu chuyện sáng kiến “Vận dụng mạng xã hội trong công tác tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Cần Thơ: Thực trạng và giải pháp” của Ths Lê Trọng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo – Tuyển sinh của trường, được công nhận là sáng kiến của TP Cần Thơ có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng trong toàn quốc năm 2021. Cuối tháng 6-2021, trường triển khai công tác tuyển sinh thông qua mạng xã hội và có hơn 5.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên website của trường. Kết quả này tăng 250% so với cùng thời điểm năm 2020 khi trường chỉ thực hiện công tác tuyển sinh bằng hình thức truyền thống. Tại Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, năm nay, tỷ lệ tuyển sinh đạt chỉ tiêu với khoảng 1.500 sinh viên trúng tuyển vào 22 ngành đại học chính quy. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, các hoạt động từ tư vấn ngành nghề, nộp hồ sơ dự tuyển, thông báo kết quả trúng tuyển, nộp hồ sơ nhập học… đều bằng hình thức trực tuyến và hoàn thành đúng kế hoạch, chất lượng, số lượng.
Các hoạt động giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, tư liệu… của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng của TP Cần Thơ hiện nay đều được chuyển đổi số, từ đó tạo thành những dữ liệu số và học liệu số có giá trị học thuật. TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, cho biết: Việc số hóa dữ liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học tạo nền tảng cho trường nâng cao vị thế, uy tín trong đào tạo. Còn NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Ðại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, đánh giá: Nhờ số hóa trong quản trị và đào tạo mà nhà trường đảm bảo kế hoạch học kỳ I năm học 2021-2022 với nhiều hoạt động đạt và vượt chỉ tiêu đề ra dù không thể tổ chức dạy tập trung. Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục… tiến hành đúng thời gian và đạt yêu cầu. Nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác này nhằm tăng cường hội nhập, phát triển theo xu hướng giáo dục tiên tiến của thế giới.
Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Ðào tạo cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang là xu hướng để thành phố đẩy nhanh quá trình phát triển và hội nhập quốc tế./.