Chiều ngày 12/04/2022; tại hội trường TP.HCM đã diễn ra hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022. Sự kiện do UBND TP.HCM tổ chức. Chủ trì hội nghị có Chủ tịch nước – Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: hội nghi hôm nay nhằm thực hiện lời hứa của các ĐBQH với cử tri 02 huyện Hóc Môn và Củ Chi. Với 03 nội dung chính là: thực hiện kế hoạch huy động đầu tư của TP.HCM. Thực hiện lời hứa của các ĐBQH với cử tri của 02 huyện Hóc Môn và Củ Chi. Tạo cơ hội cho các đơn vị, nhà đầu tư thực hiện sứ mệnh thi đua phát triển của TP.HCM; hội nghị cũng là cơ hội để TP.HCM thực hiện tôn chỉ: nói là làm, hứa là giữ lời, làm là làm đến nơi đến chốn. Với những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của TP.HCM, cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương, việc kêu gọi các tổ chức – doanh nghiệp – nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, đề xuất đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi sẽ sớm hoàn thành được những mục tiêu nêu trên.
Sản phẩm xanh của địa phương được trưng bày tại hội nghị
Đúng như lời Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nêu; hội nghị diễn ra cũng chính là nguyện vọng thiết tha của cử tri 02 huyện Hóc Môn và Củ Chi khi gặp gỡ các ĐBQH – Đơn vị bầu cử số 10, hơn 01 năm qua. Với lời thỉnh nguyện “Chủ tịch nước – Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng là ĐBQH của Hải Phòng đã làm cho Hải Phòng thay đổi toàn diện. Hôm nay; Thủ tướng là Chủ tịch nước, chúng tôi mong muốn Chủ tịch nước – Nguyễn Xuân Phúc hãy làm cho huyện Hóc Môn và Củ Chi lên thành quận và thay đổi toàn diện…như Hải Phòng”.
Huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi sẽ mở rộng không gian phát triển về phía Tây Bắc TP.HCM:
Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết: quy hoạch chung TP.HCM hiện hành – được phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (gọi tắt là Quyết định 24), đã xác định mô hình phát triển TP.HCM là mô hình tập trung – đa cực; bao gồm khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 04 cực phát triển. Cụ thể sẽ phát triển TP.HCM theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại 04 hướng phát triển. Phát triển TP.HCM với 02 hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển, 02 hướng phụ là: hướng Tây – Bắc và hướng Tây, Tây – Nam. Về quy mô dân số và đất đai, đồ án đã dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú (dưới 06 tháng) khoảng 2,5 triệu người. Trong đó dân số khu vực nội thành khoảng 7,0 – 7,4 triệu người, dân số ngoại thành khoảng 2,6 – 3,0 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).
Tại Quyết định số 24, định hướng phát triển không gian TP.HCM đối với khu vực huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là theo hướng phụ phía Tây Bắc: lấy hành lang phát triển là tuyến Quốc lộ 22 với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, phát triển các khu đô thị mới, hiện đại đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Về phân vùng phát triển TP.HCM, Quyết định 24 cũng xác định trong địa bàn 02 huyện các vùng phát triển đô thị tại các thị trấn, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái. Trong đó, khu đô thị Tây Bắc – nằm trên phần lớn địa bàn huyện Củ Chi và một phần huyện Hóc Môn – được định hướng là một cực tăng trưởng trọng điểm phía Bắc Thành phố.
Trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư
TP.HCM mời gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải:
Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải chia sẻ về quy hoạch giao thông vận tải của TP.HCM thể hiện qua các đồ án như: Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Quyết định số 1454/QĐ-TTg, Quyết định số 1769/QĐ-TTg, Quyết định số 1579/QĐ-TTg, Quyết định số 1829/QĐ-TTg, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2055/QĐ-TTg, Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam định hướng đến năm 2030….Theo các Đồ án quy hoạch nêu trên, hệ thống giao thông vận tải TP.HCM bao gồm đầy đủ các loại hình vận tải đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên; theo Nghị quyết số 29/2021/QH15, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP.HCM đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng chỉ đủ để bố trí cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 – 2020 qua giai đoạn 2021-2025. Không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới trọng điểm, cấp bách trong giai đoạn 2021 – 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các dự án giao thông trọng điểm khác thuộc đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã được UBND TP.HCM.
Do đó việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (khu vực tư nhân, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm trong và ngoài nước, các nguồn lực phù hợp khác) theo quy định pháp luật là rất cần thiết và cần được tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Sở Giao thông vận tải cũng đã rà soát, lập Danh mục dự án ngành giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 và đề xuất UBND TP.HCM các cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi như: Vành đai 04 – cao tốc TP.HCM -Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn – mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 05, cảng cạn Củ Chi…
Các doanh nghiệp trao gần 1.000 cắn nhà tình thương cho huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi – điểm đến mới cho các nhà đầu tư:
Ông Furusawa Yasuyuki – Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết: tại 02 huyện này của TP.HCM, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Nhật Bản dự kiến sẽ phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ phù hợp với nhu cầu người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương với mong muốn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội bền vững, thúc đẩy kết nối và tiêu thụ hàng hóa tại địa phương, phát triển các dịch vụ thương mại văn minh và hiện đại cho các khu dân cư, nâng tầm phong cách sống và tạo thêm các cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào ngân sách địa phương.
Ông Jun Sung Ho – TGĐ kiêm Giám đốc điều hành Lotte Properties TP.HCM nêu lên nguyện vọng: mong chính quyền TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi để Lotte Group có cơ hội đầu tư mới tại khu đô thị Tây Bắc TP.HCM và sẽ tích cực nghiên cứu cơ hội đầu tư cho các dự án được giới thiệu của 02 huyện Hóc Môn và Củ Chi. Nối tiếp những thành công trước, Lotte Việt Nam không ngừng tìm kiếm các dự án phát triển hỗn hợp để đầu tư vào các khu đô thị trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM như: Lotte Eco Smart City tại Thủ Thiêm.
Ông Lee Chong Min – Chủ tịch Quỹ đầu tư CMIA Capital Partner và Surbana Jurong cho biết: dự án “Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao” tại xã Trung An, huyện Củ Chi. Đây là dự án đã được nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát từ năm 2018 với diện tích 1.018,76 ha. Mục tiêu của dự án là hình thành một khu Đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300ha); khu logistic, kết nối vùng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai) nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp – thực phẩm khép kín; Khu đô thị sinh thái gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái, đáp ứng mức dân số 100.000 người là các chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ thương mại và dân cư trong vùng; tạo ra doanh thu mỗi năm khoảng 02 tỷ USD và tạo việc làm ổn định cho hơn 50.000 lao động.
Ông Phạm Thiết Hòa – TGĐ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH MTV (Sagri) đề xuất TP.HCM xem xét mở rộng nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao hơn, mở rộng khu chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất giống ra hoa ngắn…
Ông Nguyễn Công Hồng – TGĐ công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch của khu vực bãi chôn lấp rác Đông Thạnh. Đồng thời, công ty cam kết sẽ lập đề xuất dự án đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án “Đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái Đông Thạnh”. Công ty cam kết thêm, trong thời gian 03 năm sẽ hoàn thành toàn bộ dự án, bao gồm cả việc xử lý triệt để bãi chôn lấp rác và đầu tư hoàn thiện dự án.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – TGĐ Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Ree chia sẻ: Công ty Ree đạt mục tiêu xây dựng phát triển xanh, đầu tư chiều sâu, xử lý nước thải và chất thải rắn, hiện công ty xử lý 80% rác thải của TP.HCM. Dự án quan tâm của Ree làcải tạo bãi chon rác Đông Thạnh, xin được xem xét cho xúc tiến đầu tư trong năm nay…
Ông Glenn Hughes – Đại diện Logos Property Việt Nam cho biết: công ty đã dành 02 năm để đánh giá thị trường trong nước, mặc dù Logos mới gia nhập thị trường Việt Nam nhưng muốn tham gia đầu tư vào khu Tây Bắc của TP.HCM, tập trung vào công nghệ cao và giáo dục. Với định hướng phát triển xanh cho huyện Củ Chi, kêu gọi thêm nhà đầu tư và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Việt Cường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường chia sẻ: thương hiệu Phú Cường đã chiếm một vị thế rất cao trong ngành thủy hải sản trong và ngoài nước nhưng hiện nay, Tập đoàn Phú Cường tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh sau như: đầu tư vào các dự án phát triển đô thị, nhà ở xã hội tại TP.HCM và khu vực ĐBSCL. Đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực ĐBSCL. Cung ứng các dịch vụ vận tải du lịch, nhà hàng và khách sạn.
Chủ tịch nước – Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu kết thúc hội nghị
Kết luận hội nghị Chủ tịch nước – Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: tôi thật sự hoan nghênh sự có mặt của 550 đại biểu tham dự hội nghị, 9 ý kiến của các nhà đầu tư tại hội nghị. Tất cả những gì mà nhà đầu tư nêu ra hôm nay trong hội nghị, không phải là để thực hiện hôm nay. Đây chỉ mới là sự khởi đầu để các ĐBQH đề xuất lên Quốc hội thực hiện trong tương lai…Với điều kiện tất cả các dự án phải phù hợp với địa phương mới được Quốc hội phê duyệt. Tôi muốn đưa ra 02 việc cho nhà đầu tư cần làm là: các nhà đầu tư cam kết có trách nhiệm với dự án, nói không với tham nhũng. Nhà đầu tư cần quan tâm đến 02 dự án “môi trường” cho Hóc Môn và Củ Chi.
Để phát triển 02 huyện về phía Tây Bắc TP.HCM; UBND TP.HCM cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi với các tỉnh – thành phố trong nước và quốc tế.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của Chính phủ, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thông qua hội nghị, TP.HCM mời gọi đầu tư cho 48 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến là 9.415 tỷ USD (tương đương 216.537 nghìn tỷ đồng). Trong đó, 12 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông – kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi lên tới 9.302 tỷ USD, tương đương 213.942 nghìn tỷ đồng (06 dự án cầu – đường bộ với tổng vốn đầu tư 8,326 tỷ USD, tương đương 191.500 nghìn tỷ đồng. 01 dự án giao thông đường thủy với tổng vốn đầu tư 196 triệu USD, tương đương 4.500 tỷ đồng; 01 dự án đường nội đô với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tương đương 3.800 tỷ đồng; 03 dự án xử lý rác thải với tổng vốn đầu tư 566 triệu USD, tương đương 13.020 tỷ đồng; 01 dự án giảm ngập nước với tổng mức đầu tư 49 triệu USD, tương đương 1.122 tỷ đồng); 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; 03 dự án công nghiệp; 15 dự án nông nghiệp; 02 dự án thương mại – dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và cuối cùng là 04 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – văn hóa – thể thao./.