Là chủ đề của buổi hội thảo diễn ra tại CHLB Đức lúc 12 giờ ngày 08/05/2022, tức 17 giờ cùng ngày tại Việt Nam. Hội thảo do bà Phạm Ngọc Thúy Việt kiều Đức – Giảng viên ĐH Ứng dụng ở Berlin – Windau phụ trách.
Bà Phạm Ngọc Thúy – Giảng viên ĐH Ứng dụng ở Berlin – Windau tổ chức chương trình hội thảo trực tuyến tại CHLB Đức.
Từ năm 2020; bà Phạm Ngọc Thúy đã cùng một số chuyên gia tổ chức chương trình sinh hoạt trực tuyến hàng tháng cho đồng hương ở Đức, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới; để cùng trao đổi chia sẻ những quan tâm chung, học hỏi lẫn nhau. Chương trình sinh hoạt trực tuyến tháng 05/2022; bà Phạm Ngọc Thúy đã chọn chủ đè “Những mốc thời gian của sự hình thành và phát triển Khoa Y Việt – Đức ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM”, để trao đổi và tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của Khoa. Vì đây là một chương trình đào tạo sinh viên Y Khoa theo hướng phát triển mới, thành công của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và là lần đầu tiên một chương trình đào tạo sinh viên y khoa tại Việt Nam kết hợp với một đại học y khoa của Đức được công nhận và có trình độ tương đương với chương trình học Y khoa ở Đức, mà cộng đồng Việt kiều Đức rất quan tâm.
Chương trình hội thảo trực tuyến đã mời các diễn giả như: GS.TS.BS Nguyễn Sỹ Huyên – Phó Chủ nhiệm Khoa Y Việt – Đức ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (công tác tại CHLB Đức), ThS.BS Nguyễn Thế Dũng – Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khóa Phạm Ngọc Thạch, Bác sĩ Hồ Trung Thành – BS tốt nghiệp khóa học đầu tiên tại CHLB Đức (công tác tại Đức), BS Nguyễn Đức Minh Tâm – bác sĩ tốt nghiệp thế hệ thứ 03, cựu bác sĩ thực hành Klinikum Braunschweig (đang công tác tại CHLB Đức)…cùng các khách mời theo dõi từ Việt Nam, Đức, Úc, Canada, Nhật Bản, Mỹ.
PGS.TS.BS Châu Văn Trở – Trưởng Khoa Y Việt – Đức, giới thiệu về Kho Y Việt – Đức
Từ Việt Nam thay mặt Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thach, PGS.TS.BS Châu Văn Trở – Trưởng Khoa Y Việt – Đức đã giới thiệu đôi nét về Khoa:
Việc đào tạo đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam có trình độ tương đương với trình độ y học tiên tiến trên thế giới; là hạt nhân của nguồn nhân lực y tế chất lượng cao trong các lĩnh vực dự phòng, điều trị và giảng dạy đào tạo y khoa tại TP.HCM. Tường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – đơn vị trực thuộc sự chỉ đạo và hỗ trợ của UBND TP.HCM, được sự ủng hộ của Bộ Y Tế, được sự chấp thuận của Bộ Giáo Dục – Đào Tạo, Trường đã thành lập Khoa Y Việt – Đức – Vietnamese – German Faculty of Medicine, viết tắt là KYVĐ – VGFM, với Ban điều hành và giảng viên từ 02 phía, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Mainz.
Mục tiêu của khoa là đào tạo bác sĩ đa khoa với chuẩn đầu ra như một bác sĩ được đào tạo tại CHLB Đức, theo học chế tín chỉ với học trình 05 năm tại Việt Nam và 01 năm 03 tháng tại CHLB Đức. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa (nằm trong hệ thống văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam) do ĐHYK Phạm Ngọc Thạch cấp, nhận chứng chỉ tốt nghiệp của ĐH Mainz xác định có trình độ tương đương với sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Mainz và nhận chứng chỉ hành nghề bác sĩ y khoa tại CHLB Đức do cơ quan có thẩm quyền của CHLB Đức cấp.
Đối tượng tuyển sinh là tất cả học sinh tốt nghiệp PTTH, trúng tuyển vào ngành y khoa của trường ĐHYK PNT theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, có trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL 500 trở lên, có nguyện vọng theo học tại Khoa Y Việt–Đức được đăng ký xét tuyển.
Qua 01 đợt phỏng vấn xét tuyển bằng tiếng Anh với phỏng vấn viên là các giáo sư, bác sĩ của ĐH Mainz và ĐHYK PNT, sinh viên đạt yêu cầu sẽ chính thức là sinh viên của Khoa Y Việt–Đức. Qui mô đào tạo của khoa không quá 50 sinh viên/năm.
Hiện tại, khoa đã tuyển sinh được 9 khóa (khóa I vào năm 2013 đến nay là khóa 9 năm 2021) với tổng số lượng sinh viên khoảng 159 sinh viên. 03 khóa sinh viên của khoa đã tốt nghiệp bao gồm: Khóa I (YVĐ.2013): tốt nghiệp vào tháng 02/2020, tại thành phố Brausweigh – CHLB Đức với tổng số lượng là 26 bác sĩ. Hiện nay, 23 bác sĩ đã có giấy phép hành nghề tại CHLB Đức và hiện đang sống – làm việc tại Đức, 03 bác sĩ đang công tác tại Việt Nam. Khóa II (YVĐ.2014) và khóa III (YVĐ.2015): lễ tốt nghiệp vừa được tổ chức tại thành phố Brausweigh – CHLB Đức vào ngày 11/03/2022 tại thành phố Brausweigh – CHLB Đức, với tổng số lượng là 32 bác sĩ. Hiện tại, 32 tân bác sĩ này đang trong giai hoàn tất thủ tục và chờ nhận giấy phép hành nghề để tiếp tục làm việc và học tập tại Đức.
12 sinh viên của khóa tiếp theo (YVĐ.2016) cũng đã lên đường sang Đức để thực hiện năm thực hành lâm sàng vào ngày 25/04/2022. 12 sinh viên này đã được bố trí thực hành tại các bệnh viện thực hành tại thành phố Mainz – CHLB Đức. Dự kiến 12 sinh viên này sẽ hoàn thành năm thực hành lâm sàng vào khoảng tháng 06/2023. Trong năm học 2022 – 2023 sắp tới, khoa đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh và sẽ tiếp tục tuyển sinh sinh viên cho khóa mới (khóa 10) vào khoảng tháng 10/2022.
Khách mời Thanh Phương cho rằng các sinh trẻ của Việt Nam trở thành bác sĩ quốc tế; giỏi hơn sinh viên Y khoa Đức – Mỹ, bởi vì trong ngôn ngữ y khoa cần sự chính xác, không là chết “người”, Việt Nam thực hiện được chương trình đào tạo ở nước ngoài, đi đầu là điều tự hào…nên mở rộng sang các nước khác như: Pháp, Châu Âu, Mỹ, Úc…được không?
GS.TS.BS Nguyễn Sỹ Huyên – Phó Chủ nhiệm Khoa Y Việt – Đức ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trả lời trực tuyến tại hội thảo.
Trả lời ý kiến này, GS.TS.BS Nguyễn Sỹ Huyên – Phó Chủ nhiệm Khoa Y Việt – Đức ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết: việc đào tạo y khoa nhiều nước khác nhau, Pháp với Việt Nam có mối quan hệ lâu và có liên kết đào tạo trong y khoa rất tốt nhưng hệ thống đào tạo ở Đức thì mang tính “hiện đại” hơn, tự chủ, ĐH Mainz đã kết hợp với Việt Nam đào tạo ra một thế hệ bác sĩ được công nhận “quốc tế” từ nhà nước. Ở Pháp có những quy định bắt buộc nên các trường đại học cần phải có mối quan hệ với nhà nước mới cấp được chứng nhận quốc tế. Chúng ta quan sát sự hình thành của Khoa Y Việt – Đức, thì thấy một quan điểm rất quan trọng, khó nơi nào bắt chước được. Bởi vì nó bộc phát – mãnh liệt – tự nguyện, việc này tôi làm được là nhờ sự ủng hộ của những người bạn ở tại Đức, cùng một phong trào sinh viên của Việt Nam tại CHLB Đức, nó ảnh hưởng đến những tình cảm của người Đức đối với người Việt Nam. Tình cảm này nó rất là tự nhiên, đó là một vấn đề quan trọng cho sự phát triển liên kết đào tạo, bây giờ tất cả đi vào ngăn nắp rồi, chúng ta chỉ làm cho việc hành chánh ngăn nắp hơn.
Có khách mời đặt câu hỏi trực tiếp với, ThS.BS Nguyễn Thế Dũng – Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: những yếu tố quan trọng nào giúp cho ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức chương trình đào tạo liên kết này thành công?
ThS.BS Nguyễn Thế Dũng – Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khóa Phạm Ngọc Thạch tra lời: yếu tố quan trọng có lẽ từ sự vượt khó của sinh viên từ kỳ thi ngôn ngữ Đức – một ngôn ngữ khó, chính bản thân giảng viên còn phải phục các em. Chúng tôi sẽ nghiên cứu mời giáo sư Đức thích đi Việt Nam giảng, giúp các sinh viên có cơ hội tiếp cận với chương trình học thông qua ngôn ngữ Đức từ giáo sư Đức. Chúng ta cần nỗ lực chung, cải thiện cách giảng dạy, có nhiều chuyên môn ở Việt Nam chỉ học sau đại học nhưng sinh viên khoa Việt – Đức phải học, do Đức dạy chương trình cao hơn Việt Nam. Chúng ta đang thực hiện cải cách dạy về chiều rộng nhiều hợn, không đi vào chiều sâu một – hai bệnh nhân. Chúng ta xem các sinh viên này như là những sinh viên ưu tú, để tìm cách cải tiến giảng dạy cho sinh viên đa khoa Việt Nam.
Đào tạo ra một thế hệ bác sĩ trẻ mang tầm”quốc tế” là nhiệt huyết của thế hệ Ngành y đi trước, một sự chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo địa phương sẽ tạo cơ hội hộ nhập toàn cầu trong chuyên ngành chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Trong đó có sự tiên phong của Trường ĐH Y khoa phạm Ngọc Thạch./.