Home / Kinh tế / Tầm nhìn mới thúc đẩy khát vọng vươn lên của ĐBSCL

Tầm nhìn mới thúc đẩy khát vọng vươn lên của ĐBSCL

ÐBSCL có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Kinh tế – xã hội của vùng đã đạt kết quả khá toàn diện, nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Ngày 21-6-2022, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các đại biểu đã phác thảo bức tranh kinh tế – xã hội mới của một đồng bằng thịnh vượng trong tương lai.

Lễ trao hồ sơ quy hoạch và công bố cam kết tài trợ thực hiện một số chương trình dự án phát triển hạ tầng triển khai thực hiện quy hoạch vùng ĐBSCL. Ảnh: DƯƠNG GIANG-TTXVN

Đánh thức tiềm năng ĐBSCL

Vùng ÐBSCL là một trong 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước, bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích khoảng 40.600km2, chiếm 13% diện tích tự nhiên cả nước. Là vùng đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Ðông Nam Á và thế giới; vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, do nguồn lực đầu tư vào vùng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) và Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 78/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 825/QÐ-TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL giai đoạn 2020-2025… là tầm nhìn mới, tư duy mới cho sự phát triển thịnh vượng, đưa ÐBSCL trở thành nơi đáng sống trong tương lai.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), cho biết: “Quy hoạch tích hợp ÐBSCL là nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030 và các định hướng, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho vùng”. Theo đó, quy hoạch tích hợp đã xác định 9 đột phá mang tính chiến lược. Cụ thể là: Phát triển vùng ÐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế – xã hội môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm. Biến thách thức thành cơ hội, “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn”; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ. Thay đổi tư duy về an ninh lương thực trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng. Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị. Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế – xã hội và thúc đẩy liên kết vùng.

Tiếp đó là tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền – sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Ðề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải. Thay đổi tư duy về khai thác, sử dụng tài nguyên nước: coi nước mặn, nước lợ là một nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt; chuyển từ đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu về nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với phân vùng chức năng của nguồn nước. Chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước đặc thù của vùng. Cuối cùng là tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng với TP Hồ Chí Minh và vùng Ðông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội.

Ưu tiên nguồn lực cho vùng

Theo Bộ KH&ÐT, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ÐBSCL, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973 ngày 8-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 ngày 14-9-2020 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó quy định các tiêu chí tính điểm của vùng ưu tiên cao hơn các vùng khác trong cả nước. Cùng với đó, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tiếp tục mở ra cơ hội mới để thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội ÐBSCL trong tương lai theo hướng phát triển hài hòa, thuận thiên, “toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, mang bản sắc sông nước.

Đại biểu dự hội nghị ngày 21-6

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu phát triển toàn diện vùng ÐBSCL, tăng sức chống chịu cho vùng trước các cú sốc từ bên ngoài và giải quyết các thách thức nội tại, cần sự phối hợp giữa các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; đồng thời cần sự đồng hành của các tổ chức quốc tế để cung cấp nguồn lực tài chính và sự năng động chuyển đổi của doanh nghiệp, người dân ÐBSCL. Ðại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), cho rằng ÐBSCL có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia, JETRO rất ấn tượng với tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại vùng. Hiện các công ty Nhật Bản bắt đầu hợp tác với các công ty Việt Nam; đây là con đường để mở ra những liên kết, khơi dậy những tiềm năng mới cho sự phát triển của ÐBSCL.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cũng khẳng định: Quy hoạch tổng thể ÐBSCL là bước tiến quan trọng cho sự phát triển của vùng. Ðây là khu vực chịu ảnh hưởng của BÐKH. Quy hoạch đã đưa ra tầm nhìn mới và các bước tiếp cận mới để nâng cao khả năng chống chịu, phát triển bền vững cho vùng. WB có nghiên cứu về đói nghèo, tỷ lệ nghèo đói của vùng tăng trong giai đoạn 2015-2019 và đây là khu vực tăng đói nghèo duy nhất ở Việt Nam. Ðồng thời, các tác động của hạn hán, xâm nhập mặn có thể gây thiệt hại cho vùng đến 1,7 tỉ USD mỗi năm. Vấn đề khác là sự di cư ra khỏi vùng ÐBSCL. Sự gia tăng tác động của BÐKH, ngân sách phải bỏ ra nhiều để xử lý các khó khăn của vùng, cùng với những bất định toàn cầu tạo áp lực để ÐBSCL đạt tốc độ phát triển cao.

Theo bà Carolyn Turk, trước những yếu tố bất định và các khó khăn của vùng, cần tập trung mạnh mẽ vào tính hiệu quả trong quá trình triển khai quy hoạch. Quy hoạch cần gắn liền với các hành động và thời gian thực hiện. Với nhu cầu vốn tối thiểu lên đến 57 tỉ USD từ nay đến năm 2030 để thực hiện các dự án đầu tư tại vùng, phải tính toán hiệu quả sử dụng của mỗi một đồng đô la. Chính phủ cần tính toán, ưu tiên khoản đầu tư nào cần thực hiện từ ngân sách và tính toán hiệu quả của nó. Việc tăng cường đầu tư từ tư nhân cho sự phát triển của vùng cũng cần có cơ chế, chính sách. Vấn đề nữa là cần sự phối hợp các ngành ngang, dọc trong quá trình thực hiện. Có bước tiếp cận toàn thể từ Chính phủ, sự tham gia hợp tác mạnh mẽ từ chính quyền Trung ương và địa phương, các cải cách chính sách đều phải được phối hợp để đưa ra thông tin chính xác trong quá trình ra quyết định; tránh trùng lắp và xung đột xảy ra trong quá trình triển khai. Và trong tương lai bất định, ÐBSCL làm gì để trở thành thực thể sống? Giải pháp là cần có hệ thống giám sát chặt chẽ quy trình triển khai để giám sát tính hiệu quả và kịp thời điều chỉnh chính sách không phù hợp. WB cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai quy hoạch, nâng cao khả năng chống chịu cho ÐBSCL.

Theo định hướng các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư vào ÐBSCL, gồm: đầu tư PPP phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Vùng ÐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá

Các địa phương vùng ÐBSCL cần tích cực triển khai Quy hoạch vùng ÐBSCL. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương. Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.

Về phát triển hạ tầng trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó BÐKH. Các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng…

Các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhất là trong đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiến lược. Ðẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện. Ða dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các mô hình: lãnh đạo công – quản trị tư; đầu tư công – quản lý tư; đầu tư tư – sử dụng công. Các bộ ngành cần phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, thực chất, hiệu quả các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch hành động về phát triển ÐBSCL theo thẩm quyền, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì cùng thảo luận, bàn bạc, tập trung giải quyết.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Tận dụng sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số… Quan tâm đến an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.

Chính phủ mong các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức, đồng lòng, đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển ÐBSCL. Với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, vùng ÐBSCL sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá.

Nguồn: baocantho.com.vn