Home / Doanh nghiệp / Lễ phát động cuộc thi tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa

Lễ phát động cuộc thi tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh – GreenHub hợp tác cùng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại – Học viện Ngoại giao tổ chức Lễ phát động “Cuộc thi Tìm kiếm mô hình kinh doanh giảm thiểu rác thải nhựa thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn PlastiNOvation”. Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP), tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

PlastiNOvation là cuộc thi hướng tới thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn thông qua tìm kiếm và hỗ trợ các doanh nghiệp có sáng kiến giảm rác thải nhựa sáng tạo, thuộc khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP – Local Solutions for Plastic Pollution).

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Trưởng BTC cuộc thi chia sẻ: các giải pháp dựa trên khoa học công nghệ đổi mới sẽ hỗ trợ cho mục tiêu của Chính phủ về vấn đề giải quyết rác thải nhựa, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Việc giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang đến lợi ích cả về kinh tế và môi trường. Với vai trò là một tổ chức khoa học công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub kết nối đổi mới sáng tạo thông qua các diễn đàn hợp tác giữa cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, chính quyền và các nhà đầu tư để triển khai các dự án liên quan đến giảm rác thải nhựa.

Lễ phát động cuộc thi được diễn ra cùng với tọa đàm Sáng kiến kinh doanh giảm rác thải nhựa của 05 diễn giả: ông Vũ Minh Lý – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng bộ phận quan hệ đối tác Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam VBCSD – VCCI, PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Châu Long – Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Kim An – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Đồng sáng lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Trưởng BTC cuộc thi.

Diễn giả chia sẻ tại toạ đàm

PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho rằng môi trường là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay và Luật Bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện 4 lần từ năm 1993 đến nay. “Rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần ngừng xả thải ra môi trường, đặc biệt với biển và đại dương; thu gom và tái chế”, ông chia sẻ.

Ông Phạm Hoàng Hải cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn được giới thiệu tại Việt Nam từ khoảng năm 2016, được nhìn nhận với 03 điểm chính: sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sử dụng hiệu quả sản phẩm: kéo dài vòng đời sản phẩm, thay đổi tâm lý sử dụng, đánh giá hiệu quả mô hình kinh tế đó. Diễn giả cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn đã tồn tại lâu ở Việt Nam: mô hình chuồng, hợp tác xã nhưng chưa nhìn nhận với khái niệm kinh tế tuần hoàn.

“Nhựa là bạn và là một phần tất yếu của cuộc sống. Chúng ta không thể hoặc chưa thể thay thế các sản phẩm từ nhựa nhưng hãy tăng giá trị và sử dụng đúng giá trị của nó, cần thay đổi từ thiết kế sinh thái để nhựa quay trở lại cuộc sống.

Ông Vũ Minh Lý trao đổi thêm về những khó khăn doanh nghiệp gặp phải như giá thành cao so với sản phẩm làm từ nhựa thông thường do vấn đề thu thuế, phân biệt sản phẩm thân thiện với môi trường thật với các sản phẩm giả bằng cách dán nhãn sinh thái. Diễn giả cũng mong các bạn trẻ theo đuổi các dự án về môi trường sẽ được ủng hộ để có thêm động lực thực hiện. Hy vọng cuộc thi PlastiNOvation sẽ tìm ra những sáng kiến kinh doanh phù hợp, bền vững để bảo vệ môi trường.

Là người làm kinh doanh thân thiện với môi trường, ông Nguyễn Châu Long cũng hy vọng các cơ quan Nhà nước có những chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp với những chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính.

Diễn giả Phạm Hoàng Hải bày tỏ thêm về những điều cần thiết khi chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn: mức độ chủ động của doanh nghiệp; thay đổi quy trình sản xuất nhằm thay đổi quan niệm về rác thải là nguồn nguyên vật liệu thứ cấp; xây dựng và kiến tạo, thực hiện pháp luật; áp dụng chính sách đầu tư mua sắm: ưu tiên sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường và hỗ trợ tài chính, nguồn vốn để doanh nghiệp có thể chuyển đổi về công nghệ…

Về đối tượng dự thi: các doanh nghiệp, công ty, tổ chức, hộ gia đình… (bắt buộc đã có pháp nhân và đã có hoạt động sản xuất, kinh doanh) đáp ứng ít nhất một trong số các tiêu chí sau:

+ Đã và đang có hoạt động kinh doanh về chuỗi giá trị thu gom tái chế;

+ Đã và đang có giải pháp công nghệ cho phân loại rác thải tại nguồn;

+ Đã và đang có sáng kiến triển khai cho giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa hay thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn;

+ Đã và đang có giải pháp thay thế nhựa sử dụng một lần, túi nilong khó phân hủy,… hoặc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện môi trường.

Sáng kiến phải được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Cần Giờ (Tp. Hồ Chí Minh).

Về thể lệ các vòng thi: vòng Đơn (8/7 – 22/7), các doanh nghiệp nộp đơn đăng ký dự thi theo mẫu từ BTC và nộp muộn nhất 23 giờ 59’ ngày 22/07/2022

Vòng Training (22/7 – 26/8): các doanh nghiệp được tham gia vào đào tạo theo nhu cầu (nội dung đào tạo được lựa chọn dựa trên đơn đăng ký)

Doanh nghiệp hoàn thiện đề án hoàn chỉnh, chi tiết triển khai theo mẫu của BTC vào muộn nhất là 23 giờ 59’ngày 20/08/2022; BTC sẽ căn cứ trên đề án này lựa chọn ra 05 đội thi xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết vào ngày 26/08

Vòng Chung kết (31/8): Top 5 đội thi trình bày đề án của mình trong đêm chung kết để lựa chọn ra các thứ hạng giải thưởng (Nhất, Nhì, Ba).

Về giải thưởng: Top 03 đội thi đạt giải sẽ nhận được tổng cộng 17.000 USD để trực tiếp thực hiện triển khai đề án kinh doanh. 01 giải nhất: 10.000 USD, 01 giải nhì: 5.000 USD, 01 giải ba: 2.000 USD.

Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ: Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi PlastiNOvation, Nguyễn Thị Thanh Vân (Ms.). SĐT: 091 5415455. Email: van.nguyen@greenhub.org.vn./.