Sáng 22/7, tại TP Đà Lạt, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở khu vực Tây Nguyên.
Chủ trì hội nghị
Các ông: Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam; Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Lân Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Kom Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và một số các doanh nghiệp, hộ nông dân của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng về đất đai và khí hậu thích hợp với phát triển cây mắc ca. Trong thời gian qua, hoạt động trồng, chế biến, xuất khẩu sản phẩm mắc ca có nhiều kết quả đáng mừng. Đến nay, cả nước có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích gần 19.000 ha, được trồng chủ yếu ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch khoảng 7.000 ha với sản lượng năm 2021 ước đạt gần 9 nghìn tấn hạt.
Đã có nhiều mô hình trồng mắc ca cho thu nhập khá và ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu mắc ca của Việt Nam đạt gần 60 triệu USD với sản lượng trên 3.000 tấn nhân và 390 tấn nguyên vỏ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Tuy vậy, do tình trạng phát triển trồng mắc ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, nên có những diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp hoặc không có quả. Mặt khác, công tác chế biến mắc ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc ca hiệu quả và bền vững…
Hội nghị lần này tổ chức nhằm khái quát chung về mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai các nội dung kế hoạch thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần triển khai; trách nhiệm của các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp phát triển nông thôn của các tỉnh trong vùng trồng cây mắc ca; sự phối hợp, vai trò cầu nối của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và hội viên để tổ chức sản xuất mắc ca trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất mắc ca cũng dành thời gian thảo luận, tham luận cũng như đề xuất các ý kiến, các giải pháp để thực hiện tốt mục tiêu, định hướng của Đề án, góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến mắc ca.
Quảng cảnh hội nghị
Lâm Đồng là một trong các địa phương với nhiều vùng có điều kiện khí hậu đặc thù, phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 7.384 ha mắc ca. Lâm Đồng đã nghiên cứu và phát triển cây mắc ca hơn 15 năm; đến nay, có thể khẳng định mắc ca là cây trồng mới có nhiều triển vọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Để phát triển mắc ca thành một ngành hàng có giá trị cao và bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phục hồi độ che phủ rừng trên các diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp lâu năm; thực hiện Quyết định 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng chính phủ, hiện nay, Lâm Đồng đang xây dựng kế hoạch phát triển mắc ca bền vững giai đoạn 2022 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng diện tích, sản lượng mắc ca toàn tỉnh đạt 26.000 ha/33,8 ngàn tấn; tỷ lệ mắc ca được sơ chế, chế biến đạt 100%, trong đó có trên 95% tiêu thụ qua các chuỗi liên kết. Đặc biệt, thu hút đầu tư nhà máy hiện đại chế biến các sản phẩm từ mắc ca có giá trị gia tăng cao.
Nhấn mạnh phát triển mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 nhà: Nhà nước – nhà nông – nhà đầu tư (doanh nghiệp) – nhà khoa học. Nhà nước tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển, nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất; nhà đầu tư (doanh nghiệp) cung cấp vốn đầu tư, công nghệ thu mua, chế biến và kết nối thị trường; nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là sợi dây liên kết các nhà.
Bên cạnh đó, Hiệp Hội cũng đề xuất 11 giải pháp để việc thực hiện và triển khai Đề án đạt kết quả tốt; trong đó, có việc kiến nghị cần phải sớm hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng mắc ca cho phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai, tập quán, nguồn lực của Việt Nam theo hướng tập trung vào sản xuất hữu cơ và định hướng sản phẩm vào thị trường các quốc gia phát triển.