Home / Giáo dục / Tạo dựng nét đẹp văn hóa học đường

Tạo dựng nét đẹp văn hóa học đường

Xây dựng văn hóa học đường, trong đó chú trọng trách nhiệm giữa giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội sẽ góp phần tạo nên một thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, trách nhiệm… đáp ứng yêu cầu xã hội.

Văn hóa học đường là môi trường đặc biệt quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện: Đức, Trí, Thể, Mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương tại diễn đàn về học tập và hướng nghiệp.

Để góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa học đường, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng văn hóa học đường, như Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”; chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”, các kế hoạch về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; chương trình “Sức khỏe học đường, giai đoạn 2021 – 2025”… Từ những Đề án, chương trình với những nội dung cụ thể, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được môi trường học đường phong phú, đậm chất văn hóa, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Với rất nhiều ấn tượng về các buổi sinh hoạt văn hóa vào các buổi sáng thứ 2 đầu tuần, em Nguyễn Thị Anh Thư, lớp 12A, trường THPT Chuyên Tuyên Quang chia sẻ: mỗi lần được Ban Chấp hành Đoàn trường phân công chuẩn bị chủ đề nội dung cho các buổi trực tuần là chúng em thấy mình được mở mang thêm rất nhiều kiến thức. Không chỉ vỡ vạc, hiểu biết thêm về các kiến thức xã hội, mà chúng em còn có thêm kỹ năng làm việc nhóm, tích lũy thêm kỹ năng xử lý, giải quyết vấn đề và đảm nhận trách nhiệm; được tương tác với nhau nhiều hơn, gắn bó với nhau hơn qua các buổi sinh hoạt văn hóa…

Thầy giáo Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Đoàn trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương cho biết: Qua việc tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, các cuộc thi, diễn đàn có nội dung hay, hấp dẫn cho đoàn viên thanh niên, nhờ vậy, nhiều năm qua, trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương không có đoàn viên thanh niên vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, học sinh giành nhiều giải cao tại các cuộc thi tìm hiểu văn hóa, pháp luật, góp phần xây dựng đội ngũ những người trẻ giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh, ý thức chấp hành pháp luật, có đạo đức và lối sống đẹp, có tri thức, sức khỏe, phẩm chất và năng lực tốt, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Em Hầu Thị Lan Anh, học sinh lớp 12A, trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương cho biết: nhà trường và Đoàn trường luôn tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh để tổ chức các chương trình phù hợp. Từ các chương trình giáo dục kỹ năng sống, cũng như các diễn đàn bổ ích, em luôn tự rút ra được những bài học thiết thực cho bản thân, giúp em có thể vững tin xử lý các tình huống tương tự.

Chia sẻ quan điểm xây dựng văn hóa học đường không phải nhiệm vụ của riêng ngành Giáo dục, chị Kim Thị Thúy, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) bày tỏ: văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện cả về đức, trí, thể, mỹ. Tuy nhiên, không thể phó thác toàn bộ việc giáo dục con cái cho thầy cô và nhà trường. Vai trò giáo dục của gia đình, phối hợp với nhà trường và xã hội là cần thiết. Ở nhà, phụ huynh cần cho con rèn luyện để biết dọn dẹp nhà cửa, sống ngăn nắp, khoa học, từ đó, hình thành các kỹ năng tự phục vụ, biết sống có trách nhiệm, có thể thích nghi được mọi hoàn cảnh, điều kiện, môi trường sống khác nhau…

Khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng văn hóa học đường trong việc hình thành một thế hệ công dân tốt, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hiến cho biết sẽ tiếp tục tham mưu với các cấp lãnh đạo triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa học đường, triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa học đường, phát huy vai trò nêu gương của mỗi nhà giáo. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng văn hóa học đường.

Nguồn: baotuyenquang.com.vn