Ngày 20/9/2022; lần đầu tiên diễn đàn “Cách Tân công nghiệp – Industry Innovations forum 2022” được tổ chức tại khu đô thị Sa La TP.Thủ Đức, với chủ đề: sản xuất thông minh – Smart Manufacturing. Diễn đàn mang đến những kiến giải quan trọng về sản xuất thông minh cho ngành công nghiệp Việt Nam, trước bối cảnh mới của nền kinh tế hậu đại dịch, sự kiện thu hút hơn 200 doanh nhân – doanh nghiệp – tập đoàn, các hiệp hội và các chuyên gia hàng đầu về sản xuất và đổi mới sáng tạo tham dự.
Diễn đàn do Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chủ trì, Công ty xúc tiến Đầu tư & Hỗ trợ doanh nghiệp IBP tổ chức, với sự tham gia của Ban tổ chức Diễn đàn CEO Việt Nam, Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM – YBA và sự đồng hành của Tập đoàn Trường Hải – Thaco và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Hòa Bình – Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Chương trình được tổ chức trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm thành lập khu công nghệ cao TP.HCM, hướng tới việc xây dựng một sự kiện thường niên một cuộc gặp gỡ và trao đổi chuyên nghiệp chính thức dành cho các nhà hoạt động công nghệ, các công ty công nghệ, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước… bàn về những xu hướng và giải pháp thúc đẩy cách tân công nghiệp tại Việt Nam giúp nâng cao năng suất lao động tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
Năm 2021; nền kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020 đóng góp hơn 5% tổng GDP cả nước. Google, Temasek và Bain & Co….cũng dự báo quy mô nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 29% và đạt 57 tỉ USD. Đến năm 2025; vượt qua Thái Lan, Malaysia và chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực.
PGS.TS.Nguyễn Anh Thi – Trưởng Ban quản lý KCN Cao TP.HCM cho biết: không chỉ riêng ở Việt Nam, việc đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn của các doanh nghiệp trên thế giới. Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nước ngoài – FDI, nhóm đơn vị tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số, nhóm Startup công nghệ và nhóm các nhà hoạch định chính sách quy tụ tại diễn đàn, để thảo luận chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường kết nối hợp tác nhằm góp phần thúc đẩy sự cách tân trong công nghiệp tại Việt Nam, nâng cao năng suất lao động tối ưu hóa chi phí vận hành và hiệu năng sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp.
Với bài tham luận đầu tiên, ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư U&I đã nói về “Tương lai hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp”, từ góc nhìn thực tế của một doanh nhân đang trong tiến trình thúc đẩy số hóa, công nghệ hóa trong hoạt động sản xuất. Việc chuyển đổi là điều các doanh nghiệp phải làm, vì đó là điều kiện sản xuất ra sản phẩm thông minh, tạo hệ sinh thái phát triển bền vững mà doanh nghiệp trước sau gì cũng phải tham gia. Cơ quan hoạch định chính sách của VN sẽ không đủ lực để xây dựng hạ tầng số, giúp các doanh nghiệp tham gia quá trình chuyển đổi số. Chính phủ cũng không nên làm tất cả, hãy đưa ra cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp lớn cho họ làm. Chính phủ cần tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn – an ninh mạng, công nghiệp chế tạo thông minh, tài chính – ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số, du lịch số… Thế giới đang thay đổi, phát triển theo khối óc hơn là phát triển cơ bắp.
Tuy nhiên; việc đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ vào sản xuất vẫn là thử thách lớn của các doanh nghiệp trên thế giới, theo báo cáo của Innosght chỉ ra 75% doanh nghiệp trong nhóm S&P 500 – gồm các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán của Mỹ có nguy cơ bị thay thế trong năm 2027, do thiếu sự đổi mới công nghệ.
Ông Phạm Văn Tài – TGĐ Tập đoàn Thaco nói đến chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong các ngành công nghiệp – câu chuyện từ Tập đoàn Thaco” đã hé mở bài học của ông lớn trong ngành công nghiệp Việt Nam, qua bài toán đầu tư công nghệ cao trong sản xuất. Theo ông Tài thì Thaco chuyển sang kinh doanh đa ngành; nhằm hỗ trợ và tích hợp lẫn nhau, xác định ứng dụng công nghệ trong sản xuất là quá trình tất yếu để tạo tăng cao năng lực sản xuất cũng như gia tăng sự cạnh tranh, chất lượng cho sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thay đổi quản trị để quản trị sự thay đổi.
Thảo luận về “đầu tư công nghệ cao trong sản xuất còn những ẩn số nào?” ; với sự cộng hưởng khá sôi nổi từ những lãnh đạo của các tập đoàn như: PNJ, SonKim Group, Adidas…
Ông Bùi Tiến Dũng – Trưởng phòng cao cấp Bộ phận Phát triển Công nghệ Tập đoàn Adidas trả lời phỏng vấn của đài truyền hình.
Nếu ông Lê Trí Thông – Phó Chủ tịch HĐQT –Kiêm TGĐ PNJ cho rằng việc chuyển đổi số rất cần sự nhiệt tình quyết liệt từ những người “lãnh đạo” thì mới có thể đi trọn vẹn một quãng đường. Và PNJ đã có một quãng đường thật kinh khủng, khi quyết định chuyển đổi số, với cái kết giữa đường phải rơi xuống” vực” nhưng cuối cùng nhờ sự quyết tâm của người lãnh đạo, sau hơn 02 tháng “làm lại” PNJ đã thành công.
Ông Bùi Tiến Dũng – Trưởng phòng cao cấp Bộ phận Phát triển Công nghệ Tập đoàn Adidas cho rằng: nếu muốn chuyển đổi số, cách tân công nghiệp thì đều phải lấy con người làm trung tâm. Bởi tất cả sự sáng tạo đều phải từ sáng kiến của công nhân rồi phát triển dần lên tới đỉnh là “lãnh đạo” cấp trên.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Điều hành văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân không nêu quan điểm về cách tân công nghiệp mà đưa ra những câu chuyện thực tế từ các chuyến khảo sát tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước như việc hoạt động của một xưởng sản xuất ô tô không có người “quản lý”, tất cả quản lý bằng Big data…
Bà Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch HĐQT IBP TP.HCM chia sẻ: việc sử dụng công nghệ để đôi tối ưu hóa quy trình sản xuất đã được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong nhiều thập kỷ qua nhưng chỉ mới có một số các doanh nghiệp tiên Phong biết cách tận dụng lợi thế của nền sản xuất tiên tiến, không chỉ để thúc đẩy hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tạo ra nhiều giá trị mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho khách hàng và người lao động, xã hội và môi trường. Những bài học thành công từ các doanh nghiều bày tỏ hôm nay, điểm xuất cuối cùng vẫn là vai trò của con người, con người không quyết tâm thì sẽ không cách tân công nghiệp được, vì không đủ lực để vượt qua “cái hố”khó khăn.
Kết thúc diễn đàn là lễ ký kết hợp tác giữa Khu công nghệ cao TP.HCM và Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM.
Việt Nam đặt mục tiêu nền kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP vào năm 2030 và góp mặt trong nhóm 40 quốc gia dẫn đầu trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Sự chủ động và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp giúp chúng ta tiệm cận và hoàn thành những mục tiêu này và đưa Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Với những góc nhìn đa dạng về quá trình số hóa ứng dụng công nghệ vào các ngành công nghiệp, cơ hội thử thách khó khăn và các nguồn lực cần thiết cho quá trình này sẽ góp phần giải mã những bài toán về cách tân công nghiệp Việt Nam./.