Ngày 22/10/2022; UBND quận 06 đã tổ chức lễ công bố sản phẩm du lịch trên địa bàn quận 06 – TP.HCM, chương trình tour tham quan có chủ đề “ chuyện nhỏ – trong lòng Chợ Lớn”, bao gồm các điểm đến như: hũ tiếu mì Huỳnh Gia – số 07 Chợ Lớn – phường 11, Thảo đường Thiền Tự – số 84 Trần Văn Kiểu – phường 10, Làng nghề đúc tượng Phật – số 1017/13 Hồng Bàng – phường 12, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Giác Hải – số 1017/3 Hồng Bàng – phường 12.
Hủ tiếu Huỳnh Gia:
Nếu nói đến hủ tiếu, chắc người Việt sành ăn sẽ không bao giờ quên những xe hủ tiếu đặc sắc của người Hoa ở đất Sài Gòn, cùng sự nhập cư của người Tiều – Triều Châu. Họ gọi là cổ chéo, tức hủ tiếu nhưng nghe người xưa” nói: hồi đó…xuất hiện xen cổ chéo ở Sài Gòn, những sợi bột gạo nhúng và nước sôi nó “tíu lại” nên hồi đó gọi là hủ tíu, sau này nói trại thành hủ tiếu. Đây là món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá…Vừa ăn hủ tiếu, vừa ngắm những bức hình được khắc trên những xe hủ tiếu của người Hoa đến Sài Gòn, người ăn có thể đoán họ đến từ tỉnh nào của Trung Hoa.
Ông Lương Chí Bằng – Nghệ nhân vẽ tranh kiếng Chợ Lớn, chủ nhân vẽ tranh kiếng Tân Huê nổi tiếng một thời ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Ông Lương Chí Bằng sinh năm Ất Dậu 1945, ở vùng Chợ Lớn. Vào khoảng những năm 1957, khi mới 12 tuổi, ông đã bắt đầu vẽ tranh kiếng, do tuổi còn nhỏ nên vẽ các bức tranh lớn, ông phải bắt ghế đứng lên để tô, vẽ. Cha mẹ ông Lương Chí Bằng từ Trung Hoa di dân sang Việt Nam vào những năm 30; cụ ông Lương Kiến Dân trước kia làm cho hiệu bán thuốc, năm 1942 bắt đầu vẽ tranh kiếng, rồi lập tiệm Tân Huê. Cụ học vẽ tranh kiếng từ thầy mình theo phong cách truyền thống Hoa Nam, rồi tự thêm thắt, tạo tác ra các sản phẩm mới. Cụ dùng viết lông để vẽ nét chứ không can theo mẫu rập trên giấy nên nét vẽ rất uyển chuyển rất riêng. Về sau, Lương Chí Bằng theo học vẽ thêm danh họa Lưu Khúc Tiều, về nghề vẽ quảng cáo và kỹ thuật phối màu. Hồi đó ở Chợ Lớn có nhiều tiệm chuyên vẽ tranh kiếng phong cảnh nhưng tranh kiếng xe mì, hủ tiếu thì Tân Huê là có tiếng nhất. Tiệm ông bắt đầu chuyên vẽ tranh kiếng xe mì, hủ tiếu. Tùy theo khách hàng đặt đóng tranh kiếng xe lớn hay xe nhỏ, cũng như ý thích mà vẽ bộ tranh 02 tầng hay 03 tầng. Những bức tranh kiếng được cắt cạnh cong gợn sóng, có nội dung các tuồng tích mà ông Lương Chí Bằng bảo đó là loại tranh kiếng dành riêng cho xe mì – hủ tiếu mà chúng ta thường thấy ở Sài Gòn, Chợ Lớn như: tranh Châu Du hỏa thiêu Xích Bích, Tranh Hứa Chử lõa y chiến Mã Siêu, Tranh Trương Phi giận đánh Đốc Bưu…Hiện nay, ông Lương Chí Bằng cũng nghỉ vẽ 03 năm nhưng vẫn có người tìm đến nhờ vẽ tranh kiếng cho xe mì – hủ tiếu nhưng ông đều từ chối…
Thảo Đường Thiền Tự:
Chùa Thảo Đường có tên chữ là Thảo đường Thiền tự; được xây dựng bên bờ rạch Ông Buông, số 335/42 đường Hùng Vương, quận 6 – TP.HCM. Chùa được thành lập vào năm 1960; mang tên Thảo Đường nhưng thuộc phái Tào Động. Tên gọi do vị sư người Ấn Độ – Cưu Ma La Thập sang Trung Quốc truyền giáo, xây ngôi chùa Thảo Đường để truyền bá Đạo pháp, dịch kinh Kim Cang. Vị sư trụ trì chùa Thảo Đường vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam lập chùa để kỷ niệm. Ông đặt lại tên Thảo Đường. Đó là Miệu Duyên Hòa thượng; trước khi đến bờ rạch Ông Buông cất chùa, Miệu Duyên Hòa thượng đã lập ngôi chùa nằm trên đường Phạm Văn Chí, quận 6. Từ khi được truyền sang miền Nam Việt Nam, phái Tào Động có mặt trong 05 ngôi chùa cổ nổi tiếng, tập trung tại 04 quận là chùa Phụng Sơn (quận 11), chùa Từ Đức (quận 05), chùa Thảo Đường (quận 06), chùa Nam Phổ Đà (quận 06) trước theo phái Tào Động sau chuyển sang Lâm Tế, chùa Từ Ân (quận 11). Đây là những ngôi chùa Hoa thuộc Hoa tông và hiện nay thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hiện chùa Thảo Đường do đại đức Nhật Tu trụ trì; trong chùa còn lưu giữa lại “Pháp quyển”, ghi sơ lược các dòng tổ của phái mình từ trước đến nay. Tính từ khi sang Việt Nam, đại đức Nhật Tu thuộc thế hệ thứ ba.
Nhà truyền thông cách mạng người Hoa:
Trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào người Hoa TP.HCM đã sát cánh cùng các dân tộc anh em vùng lên đấu tranh quyết liệt, chấp nhận mọi gian khổ và sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của tổ quốc, tạo nên mùa xuân lịch sử năm 1975. Cuối năm 1967, Đảng ủy kiêm Ban Hoa vận T4 được thành lập; sự hình thành của tổ chức phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào người Hoa TP.HCM cũng phát triển liên tục, toàn diện, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng người Hoa ngày một đông đảo…Ban Hoa vận T4, biên soạn tài liệu tiếng Hoa tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Hoa tham gia cách mạng. Nhiều đồng chí đã được bố trí vào ở nhà các cơ sở bí mật của người Hoa sinh sống và làm việc. Căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, phường 01, là một trong những cơ sở bí mật. Nơi đây đã từng che dấu và bảo vệ an toàn các đồng chí cán bộ cách mạng như: Trần Bạch Đằng, Nghị Đoàn (Sáu Lâm), Ngô Liên, Lâm Tư Quang (Ba Toàn), Trần Văn Tựu (Sáu Hoàng, Sáu Vàng) và nhiều cán bộ khác của Ban Hoa Vận Thành ủy. Lúc bấy giờ, chủ nhân của căn nhà số 91 Phạm Văn Chí, là ông Lưu Vinh (còn gọi là Lưu Vinh Phong) – một doanh nhân người Hoa yêu nước. Năm 1949, ông tham gia Hoa kiều giải phóng Liên hiệp Hội (tức Hội giải liên) do xứ ủy Nam kỳ thành lập. Việc sản xuất kinh doanh vừa là kế sinh nhai, vừa là bình phong che mắt địch để ông hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở bí mật, vận động tài chính, tiếp tế thuốc men, vận chuyển vũ khí cho Ban Hoa vận T4. Căn nhà này có một vị trí hết sức đặc biệt, nằm ngay trước mặt bót cảnh sát Ngụy Quận 06 và bên hông Toà Hành chính Ngụy Quận 06. Ở trên tầng gác thượng căn nhà có cả một trung đội cảnh sát dã chiến Ngụy chiếm đóng để bảo vệ 02 cơ quan đầu não của chính quyền Ngụy. Thế nhưng tại đây, ông Lưu Vinh đã xây dựng 02 hầm bí mật để thực hiện nhiệm vụ nuôi giấu cán bộ cách mạng với ý tưởng “nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất”. Giữa năm 1968, ông Trần Văn Tựu – Chánh Văn phòng Ban Hoa vận Trung ương Cục miền Nam, được ông Lâm Tư Quang bố trí đến ở tại đây để phục vụ cho đợt 02 cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, ông Trần Văn Tựu ở đây được 01 tháng trong sự bảo vệ, che chở rất an toàn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), ông Lưu Vinh đã hiến căn nhà này cho Nhà nước. Sau đó, TP.HCM đã giao căn nhà này cho Xí nghiệp quốc doanh chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre sử dụng. Ngày 22/11/1989, theo đề xuất của Ban Công tác người Hoa TP.HCM; UBND TP.HCM đã ban hành công văn số 5264/UB-NĐ chấp thuận giao lại căn nhà này cho Ban Công tác người Hoa TP.HCM -nay là Ban Dân tộc TP.HCM quản lý. Ngày 27/04/1997, căn nhà chính thức được mang tên “Nhà Truyền thống cách mạng người Hoa thành phố Hồ Chí Minh”.
Những đia danh còn lại; hầu như quá quen thuộc với người dân Sài Gòn – CHợ Lớn như: Làng nghề đúc tượng Phật, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Giác Hải, chợ Bình Tây…