Sáng nay – 24/11/2022; tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã diễn ra lễ kỷ niệm 160 năm thành lập bệnh viện Chợ Quán mà người dân trước kia thường gọi là Nhà thương Chợ Quán.
Đến tham dự dự lễ kỷ niệm 160 năm thành lập Nhà thương Chợ Quán; còn có ông Dương Anh Đức – Phó chủ tịch UBND TP.HCM, PGS.TS.BS.Trần thị Trung Chiến – Nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Nguyên Chủ nhiệm UB về các Vấn đề Xã hội của Quốc hội – bà là người được sinh ra tại Nhà thương Chợ Quán năm 1943, ông Phạm Chánh trực – Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM và bà Nguyễn Thị Nghĩa – Nguyên Chủ tịch HĐQT sài Gòn Co.op – là hai cựu tù chính trị bị giam tại bệnh viện Chợ Quán…
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịchUBND TP.HCM Nhấn mạnh: trong giai đoạn TP.HCM trở thành tâm điểm của dịch bệnh Covid-19 và bệnh sốt xuất huyết …Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã giữ vững được tư thế là một đơn vị y tế đầu ngành, đạt nhiều thành công trong cải thiện chất lượng, nhiều năm liền đứng trong Top 10 bệnh viện có chất lượng dịch vụ tốt nhất của TP.HCM, là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam, còn là bệnh viện duy nhất có di tích trại giam trong lòng bệnh viện. Nơi mà Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam – Trần Phú đã qua đời vào năm 1931, khi bị Pháp bắt tạm giam để chữa bệnh tại đây. Trại giam đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, TP.HCM đang gấp rút thực hiện quy trình trùng tu – nâng cấp di tích để mở cửa cho khách tham quan vào đúng ngày sinh của Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên – Trần Phú vào năm 2024.
Theo báo cáo về cuộc viễn chinh Nam Kỳ 1861-1862 của Cục Quân y Pháp, Bệnh viện Chợ Quán mở cửa ngày 13/02/1861 như bệnh viện dã chiến nhằm chuẩn bị phục vụ trận đánh đồn Kỳ Hòa diễn ra ngày 24/2/1861. Bệnh viện tọa lạc tại làng Chợ Quán, giữa Sài Gòn – Chợ Lớn thời đó, bên bờ kênh Người Hoa (Arroyo Chinois) nay gọi là kênh Tàu Hủ.
Đại đồn Kỳ Hòa là một cứ điểm quân sự lớn do triều đình Nguyễn xây dựng nhằm phòng thủ, chống lại các cuộc tấn công của liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Khi xảy ra trận chiến, nhiều lính Pháp bị thương được đưa về đồn Cây Mai rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Quán bằng cả đường bộ và đường thủy.
Từ 1862 – 1875, bệnh viện tiếp nhận điều trị các bệnh nhân hoa liễu và người tù bị bệnh. Từ 1876 – 1904 bệnh viện được sửa chữa và xây thêm, ngoài 110 giường cho người tù bị bệnh và 20 giường dành cho bệnh nhân bệnh hoa liễu, bệnh viện được bổ sung 06 phòng bệnh truyền nhiễm, phòng phẫu thuật và phòng sanh. Năm 1901, lớp nam y tá đầu tiên của cả nước được mở ra tại bệnh viện Chợ Quán. Từ năm 1904 – 1907, bệnh viện có thêm khu điều trị tâm thần và trở thành Trung tâm Huấn luyện Y Khoa. Khi Trường Y Khoa Đông Dương được thành lập tại Hà Nội năm 1908, bệnh viện ngưng công tác huấn luyện và trở thành bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm, phong và tâm thần.
Từ 1954 -1957, bệnh viện được giao cho quân đội thời bấy giờ sử dụng 2/3 cơ sở để làm nơi điều trị bệnh lao cho binh lính và đổi tên thành Viện bài lao Ngô Quyền. Cuối năm 1957, bệnh viện được trả về cho dân sự, lấy lại tên ban đầu là Bệnh viện Chợ Quán, tiếp tục nhận điều trị các bệnh truyền nhiễm, phong, tâm thần, đồng thời tiếp nhận lại sinh viên thực tập chuyên khoa tâm thần.
Năm 1972; khu nhà chính 06 tầng của bệnh viện được xây dựng trên diện tích 12.126 m2, với sự trợ giúp của Hàn Quốc. Đến cuối năm 1973, công trình hoàn tất và bệnh viện được khánh thành vào ngày 02/03/1974, với tên mới là Trung Tâm Y Khoa Hàn – Việt. Cùng với cơ sở cũ, bệnh viện có 550 giường trị các bệnh: truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa dược, cận lâm sàng, khu phẫu thuật 04 phòng được trang bị hiện đại.
Nhân viên y tế xem triển lãm ảnh về BV Bệnh Nhiệt đới qua các thời kỳ
Lúc này bệnh viện được xem như là “một Trung tâm Y tế toàn khoa mới và tối tân hàng bậc nhất miền Nam Việt Nam thời bấy giờ”. Bệnh viện được lựa chọn làm nơi thực tập của các trường Đại học Y khoa và các Chương trình huấn luyện của Bộ Y tế chính quyền Sài Gòn cũ như: Đại học Y khoa Sài Gòn, Đại học Y khoa Minh Đức, Chương trình đào tạo tiến sĩ -Khoa Quản trị bệnh viện, Viện Quốc gia Y tế công cộng…
Ngày 01/5/1975, bệnh viện được Ban Y Tế Xã Hội Miền Nam thuộc Ủy Ban Quân Quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên Bệnh viện Chợ Quán. Tháng 9/1975; theo quyết định của Ban Y Tế Xã Hội Miền Nam thuộc Ủy Ban Quân Quản, cơ sở điều trị tâm thần của Bệnh viện Chợ Quán được giao về bệnh viện Tâm trí Biên Hòa. Ngày 04/08/1979, Bệnh viện Chợ Quán được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP HCM và các tỉnh phía nam. Năm 1989, bệnh viện đổi tên thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Hiện tại, bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP.HCM; chuyên khám và điều trị các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm vùng nhiệt đới. Ngày 10/10/1996 theo quyết định số 4630/QĐ-UB-NC của UBND TP.HCM, bệnh viện được xếp hạng bệnh viện loại 01 chuyên khoa sâu, về bệnh truyền nhiễm của TP.HCM và các tỉnh phía nam./.