Chiều nay 29-11, tại tỉnh Bình Phước đã diễn ra hội nghị sơ kết thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025, với sự tham gia của 5 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ; Phó giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ.
Về phía tỉnh Bình Phước, dự hội nghị có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Thị Xuân Trang; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Hoàng Lâm cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Nhiều kết quả nổi bật
Vùng Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, quốc phòng – an ninh của cả nước. Mặc dù có tiềm năng rất lớn song phát triển của du lịch còn khiêm tốn, chưa ngang tầm với vị thế và tiềm năng vùng. Liên kết, hợp tác nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh từng địa phương trong vùng chính là một trong những giải pháp căn cơ, hiệu quả để tháo gỡ “nút thắt” điểm nghẽn cho du lịch các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025 được lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ ký kết ngày 28-6-2020, tại Tây Ninh. Đến nay, thỏa thuận đã triển khai thực hiện được 2 năm và đạt nhiều kết quả tích cực. Từ việc ký kết này, giúp các địa phương trong vùng thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch; công tác quy hoạch, kế hoạch dài hạn, thông tin về các sản phẩm du lịch; thông tin về thị trường, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch nội địa, quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nghiệp vụ quản lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về du lịch của các địa phương. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố trong vùng đã tổ chức được nhiều tour, tuyến du lịch liên kết các điểm đến ở nhiều tỉnh với nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chương trình kích cầu du lịch kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến 5 tỉnh Đông Nam Bộ đã được khởi động lại. Các tỉnh, thành đã phối hợp xây dựng tour mô hình khép kín, tổ chức các chuyến khảo sát du lịch, chương trình famtrip nhằm kết nối các tour, tuyến du lịch liên kết vùng. Thông qua 8 sự kiện du lịch tiêu biểu, các địa phương đã quảng bá, xúc tiến du lịch đến với du khách. Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì thực hiện bản đồ du lịch 3D+2D tương tác thông minh cho vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh Bình Dương, Bình Phước đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến năm 2021, 2022 trên nền tảng sàn thương mại điện tử và chương trình kích cầu du lịch “7 địa phương – Du lịch an toàn và hấp dẫn”. Tỉnh Tây Ninh là mắt xích quan trọng trong các tour, tuyến du lịch liên kết vùng.
Những tiết mục văn nghệ ấn tượng tại hội nghị
Để hòa nhịp nhanh cùng những sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành trong vùng, Bình Phước đã tập trung khảo sát và đang xây dựng hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối như: xây dựng tour du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, thể thao tại Khu du lịch hồ Suối Giai kết nối với các hoạt động tham quan, công vụ tại thành phố Đồng Xoài; tour du lịch trải nghiệm sinh thái rừng, tour du lịch khám phá và trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo của người S’tiêng, M’nông tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Kết nối Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, Khu du lịch trảng cỏ Bù Lạch gắn với các sản phẩm du lịch trải nghiệm trên khinh khí cầu, thể thao và các sản phẩm du lịch dọc tuyến đường cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) – Gia Nghĩa (Đắk Nông); tour du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe theo phương pháp Đông y; tour du lịch trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm kết nối với Khu quần thể văn hóa – cứu sinh núi Bà Rá… kết nối với Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và các sản phẩm du lịch trên tuyến du lịch tìm hiểu lịch sử; tour du lịch quốc tế “Một ngày – 4 quốc gia” (Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Lào – Thái Lan).
Phát huy vị thế đầu tàu du lịch của cả nước
Sau khi nghe lãnh đạo các tỉnh trong vùng trình bày phương hướng, giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, Phó giáo sư, Tiến sĩ kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, vùng Đông Nam Bộ có độ hội tụ cao, tài nguyên du lịch vô tận. Nếu biết cách để phát huy hết tiềm năng ấy thì vùng sẽ là sức bật mạnh, góp phần thúc đẩy du lịch cả nước. Trong đó, lấy Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lan tỏa.
PGS.TS kinh tế Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, vùng Đông Nam Bộ có tài nguyên du lịch vô tận. Nếu biết cách để phát huy hết tiềm năng ấy thì vùng sẽ là sức bật mạnh, góp phần thúc đẩy du lịch cả nước.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động trong 7 vùng du lịch của Việt Nam; có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động trong 7 vùng du lịch của Việt Nam. Đây là nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch về nguồn, sinh thái cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển…
Để vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy vị thế là đầu tàu du lịch của cả nước, các địa phương, doanh nghiệp của vùng quan tâm thực hiện một số nội dung: Thứ nhất, triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương. Thứ hai, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Thứ ba, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Thứ tư về chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ĐOÀN VĂN VIỆT
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho rằng, Bình Phước là mảnh ghép quan trọng trong chuỗi giá trị và những sản phẩm du lịch của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh nhận thức sâu sắc về cơ hội phát triển khi tham gia liên kết vùng và xin tiếp thu toàn diện những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đồng thời cụ thể hóa vào các chiến lược, kế hoạch hành động của ngành du lịch, có trọng tâm, trọng điểm và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ: Ưu tiên xã hội hóa tối đa trên cơ sở huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, tạo sức hút đầu tư để thực hiện phát triển du lịch; tiếp tục đề xuất Trung ương và chủ động phối hợp các địa phương để triển khai xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, tạo “cú hích” đồng bộ trong liên kết phát triển du lịch vùng thời gian tới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền phát biểu chỉ đạo hội nghị
Bên cạnh đó, ưu tiên cao trong hình thành đa dạng các sản phẩm du lịch phù hợp, đặc trưng của tỉnh; khai thác hợp lý các điểm đến du lịch; tiếp tục liên kết hợp tác chặt chẽ về phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Với những định hướng, giải pháp có trọng tâm, trọng điểm trong liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ thời gian tới, tin tưởng rằng sẽ tạo “cú hích” đồng bộ, để mỗi tỉnh, thành sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi liên kết phát triển du lịch vùng. Qua đó, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch 6 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Hội nghị đã thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023, với 6 nội dung trọng tâm gồm: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; Tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển nền tảng hạ tầng kết nối, hạ tầng điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, thì vai trò các doanh nghiệp dịch vụ du lịch là không thể thiếu trong chuỗi hoạt động tham gia liên kết phát triển du lịch. Nhân dịp này, tỉnh Bình Phước trân trọng mời các tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong đầu tư du lịch của tỉnh chắc chắn sẽ là môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư chọn lựa ưu tiên tham gia hàng đầu.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước TRẦN TUỆ HIỀN
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là đơn vị tổ chức hội nghị sơ kết luân phiên vào cuối năm 2023, đồng thời đảm nhận Trưởng ban điều phối năm 2024.