Động thái nới room 1,5 – 2% của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều người dân đang có nhu cầu mua nhà ở.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, nguồn vốn tín dụng những tháng đầu năm 2022 đã tăng rất nhanh, đến quý III, Ngân hàng Nhà nước buộc phải dừng lại do những lo ngại về vấn đề lạm phát và những vấn đề về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng năm nay thêm khoảng từ 1,5% – 2% cho toàn bộ hệ thống tín dụng, như vậy sẽ có 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm.
Nhận định về quyết định điều chỉnh tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, động thái này xuất phát từ 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, tình hình kinh tế thế giới hiện nay đã tương đối ổn định, lạm phát, lãi suất, tỷ giá trên toàn cầu đã có sự giảm nhiệt, lạm phát của một số nước như Mỹ đã qua đỉnh từ hồi tháng 8, lạm phát tại các nước châu Âu cũng đã qua đỉnh từ hồi tháng 10 vừa qua. Chính vì vậy, tốc độ tăng lãi suất của các nước bắt đầu giảm, kéo theo đó áp lực tỷ giá đối với VNĐ đã giảm rất mạnh trong tháng 11 vừa qua.
Thứ hai, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tín dụng Ngân hàng Nhà nước vừa báo cáo đã tăng 12,2%, huy động vốn tăng ở mức khoảng 5,5%, dòng tiền người dân quay trở lại gửi ngân hàng nhiều hơn.
Thứ ba, do nhu cầu vốn của doanh nghiệp vào cuối năm rất lớn, bao gồm cả vốn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, vốn để đáp ứng các khoản nợ đáo hạn, vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Có thể thấy thị trường vốn là bài toán rất lớn của năm nay nên thời điểm này cấp thêm là phù hợp và cũng đáp ứng phần nào nhu cầu vốn rất quan trọng của doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm cũng như đầu năm tới.
TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Reatimes)
Có ý kiến cho rằng, dòng vốn này chỉ mang tính chất tháo gỡ về mặt tâm lý trên thị trường bất động sản, còn thực tế lượng vốn chảy vào bất động sản sẽ không nhiều, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ở thực.
Bàn luận về ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực cho biết, dòng vốn lần này đã đi vào sản xuất kinh doanh, trong đó với bất động sản là tương đối nhanh do số lượng hồ sơ đã chờ sẵn. Điều đáng nói, những hồ sơ đang chờ đợi được giải ngân đều đã được ngân hàng rà soát vô cùng kỹ lưỡng trong thời gian qua. Đồng thời, những hồ sơ này phải đảm bảo tính pháp lý và đáp ứng đúng nhu cầu thực.
“Theo tính toán sơ bộ, giả định lượng vốn tín dụng bình quân hiện nay vẫn khoảng 20% dành cho thị trường bất động sản, trong đó có 67% cho vay để mua nhà, còn 33% cho vay để đầu tư thị trường bất động sản thì sẽ có khoảng 40.000 tỷ đồng trong số 200.000 tỷ đồng có thể dành cho thị trường bất động sản, đó là một lượng tiền tương đối lớn. Còn nhớ vào thời điểm năm 2013, chúng ta đã có gói giải cứu bất động sản chỉ có 30.000 tỷ đồng và sau đó thị trường bắt đầu bứt phá”, ông Lực nói.
Trong năm qua, nhiều trường hợp người mua nhà đã phải xếp hàng hồ sơ tín dụng để chờ ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới. Có nhiều trường hợp người dân mua nhà để ở, phục vụ nhu cầu thực và đã nộp 70 – 80% giá trị hợp đồng nhà. Việc Ngân hàng Nhà nước nới room lần này đã tạo ra niềm tin rất lớn đối với người dân và doanh nghiệp, được coi là “cơn mưa” giữa thị trường đang khát vốn, đặc biệt đối với những người mua nhà đã xếp hồ sơ từ rất lâu nhưng chưa được duyệt vay.
Chưa kể, nhiều dự án đang dở đang rất cần nguồn vốn để có thể hoàn thiện, trong khi các doanh nghiệp cũng có những kiến nghị với ngân hàng về việc xem xét giải ngân cho những dự án sắp hoàn thiện, có tính hiệu quả và cũng hướng đến người dùng có nhu cầu nhà ở thật.
Chuyên gia này nhận định thêm, việc nới room tín dụng là động thái hết sức tích cực, là chất xúc tác khiến nhiều người “xuống tiền” trở lại thị trường bất động sản cùng với các dòng tiền khác hợp cộng vào. Bên cạnh đó, khi bước sang năm mới 2023, room tín dụng năm mới sẽ được mở, chúng ta hoàn toàn có hy vọng về sự ấm lên của thị trường bất động sản.
Theo ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lượng vốn tín dụng được tăng thêm này sẽ tập trung cho vay trước hết là lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, vốn ưu tiên cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống.
Anh Lê Cảnh (32 tuổi, Hà Nội) cho biết, vào giữa năm anh tìm được căn hộ ưng ý tại vùng ven phía Tây Hà Nội, tuy nhiên số tiền tích luỹ sẵn có vẫn chưa đủ để mua. Anh Cảnh chật vật đi tìm địa chỉ để vay thêm số tiền còn thiếu. “Thời điểm tìm mua nhà khó khăn vì giá quá cao, tôi chấp nhận ở xa chỗ làm để có được căn hộ phù hợp với năng lực tài chính của 2 vợ chồng và vay thêm ngân hàng trong khả năng chi trả được gốc lãi hàng tháng. Tôi đã nộp hồ sơ vào 4 ngân hàng nhưng đều trong trạng thái phải chờ đợi”, anh Cảnh chia sẻ.
Sự trông chờ vào nguồn vốn vay ngân hàng dường như ngày càng khó khăn khi các ngân hàng liên tục tăng lãi suất cho vay. Nhưng khi room tín dụng trong năm được nới thêm, hy vọng sớm sở hữu được căn nhà của riêng mình lại được thắp lên.
Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tâm lý chung với người đang mua nhà đều đang rất kỳ vọng vào việc room tín dụng được mở thêm này. Với những hồ sơ mua nhà phục vụ nhu cầu thực, mua nhà là tài sản đầu tiên dùng để ở đã được tổ chức tín dụng xem xét đánh giá các tiêu chí cần thiết và được chấp thuận, đang trong trạng thái chờ room tín dụng sẽ có khả năng được giải ngân. Tuy nhiên, người vay sẽ phải đối mặt với việc lãi suất vay cao hơn so với trước đó, bởi hiện nay đã có những ngân hàng tăng lãi suất cho vay mua nhà lên tới 13 – 15%. Cũng từ vấn đề lãi suất cho vay đang tăng cao, ông Hoàng đưa ra lời khuyên đối với những cá nhân có dự định mua nhà trong thời gian tới nên có nguồn lực tài chính sẵn từ 70% trở lên để đảm bảo khả năng chi trả hàng tháng, tránh phải gánh áp lực tài chính quá lớn về sau./.