Home / Y tế / Nghiên cứu mô hình mạng lưới Trung tâm chấn thương khu vực tại Hàn Quốc

Nghiên cứu mô hình mạng lưới Trung tâm chấn thương khu vực tại Hàn Quốc

Chấn thương là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao ở những người trong độ tuổi lao động, tăng gánh nặng rất nhiều cho xã hội, việc triển khai mạng lưới Trung tâm chấn thương khu vực đã mang lại những hiệu quả đáng khích lệ.

Trung tâm Chấn thương bệnh viện đại học Ajou (Seoul) sử dụng 2 bãi đáp trực thăng để tiếp nhận bệnh nhân chấn thương 24/7.

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quy hoạch 17 Trung tâm chấn thương được phân bố trên 5 khu vực của cả nước tùy theo nguồn lực đáp ứng nhu cầu về dân số và khả năng tiếp cận. Các Trung tâm Chấn thương lần lượt được Chính phủ thành lập với đầy đủ trang thiết bị và nhân sự phù hợp. Đến năm 2023, đã có 15 Trung tâm chấn thương được thành lập và đóng vai trò không thể thiếu trong hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu điều trị và vận chuyển nhanh chóng những bệnh nhân bị thương nặng đến các bệnh viện để can thiệp điều trị.

Hầu hết các Trung tâm Chấn thương được thành lập đều gắn liền với các bệnh viện lớn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Hàn Quốc. Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, một Trung tâm Chấn thương khi được thiết lập tối thiểu phải có: phòng cấp cứu chấn thương để đánh giá và hồi sức ban đầu, 2 phòng phẫu thuật cấp cứu, X quang can thiệp, 20 giường hồi sức tích (ICU) và 40 giường điều trị chấn thương, cùng với các trang thiết bị hồi sức cấp cứu chuyên biệt.

Các Trung tâm Chấn thương được bố trí các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau được đào tạo  về hồi sức chấn thương nâng cao (ATLS) và luôn ứng trực đảm bảo sẵn sàng 24/7 nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp cứu của bệnh nhân chấn thương nặng.

Cụ thể như Trung tâm Chấn thương thuộc bệnh viện Đại học Ajou (Seoul) có 26 chuyên gia chấn thương gồm các chuyên khoa Ngoại tổng quát, Ngoại lồng ngực, cấp cứu, phẫu thuật chỉnh hình, thần kinh, gây mê, chẩn đoán hình ảnh, ngoài ra còn có 250 điều dưỡng và khoảng 80 nhân viên khác. Trung tâm này kết nối thông tin với hệ thống cấp cứu ngoại viện để tiếp nhận, đánh giá những trường hợp cấp cứu chấn thương, điều phối cấp cứu bằng xe cứu thương hoặc trực thăng để đưa người bị nạn về điều trị, đảm bảo từ lúc tiếp nhận thông tin cho đến khi điều trị ổn định để có thể chuyển vào phòng mổ trong vòng 1 giờ. Trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận 7-9 ca chấn thương nặng- nguy kịch, có ngày cao điểm lên đến 20 ca.

 Việc hình thành mạng lưới các Trung tâm chấn thương tại Hàn Quốc đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như sau:

1) Tăng số lượng bệnh nhân chấn thương nặng tiếp cận kịp thời chăm sóc y tế chuyên khoa: Sau khi hình thành mạng lưới các Trung tâm chấn thương, số bệnh nhân tiếp nhận tại 15 trung tâm này đã tăng từ 24.445 trong năm 2016 lên 31.968 trong năm 2017 (tăng hơn 30%). Sự gia tăng này cho thấy các Trung tâm chấn thương có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc đầy đủ, kịp thời và hiệu quả cho số lượng bệnh nhân chấn thương trong một khu vực nhất định. Hơn nữa, việc thành lập một đội hồi sức chấn thương với sự phối hợp tốt của nhiều chuyên ngành khác nhau đã đáp ứng kịp thời cho những bệnh nhân đa chấn thương nặng.

2) Cải thiện hiệu suất trong điều trị bệnh nhân chấn thương nặng: Với những lợi ích của việc chăm sóc chấn thương và hiệu quả đã được chứng minh của phương pháp tiếp cận kịp thời, sẽ rất hữu ích khi đo thời gian truyền máu lần đầu như một chỉ số chất lượng để giúp giảm thời gian cần thiết cho việc chăm sóc chấn thương. Thời gian trung bình cho lần truyền máu đầu tiên giảm dần từ 37,4 phút trong năm 2016 xuống 32,9 phút năm 2017 và 26,7 phút năm 2018.

3) Giảm tỷ lệ tử vong do chấn thương: Tỷ lệ tử vong do chấn thương trên toàn quốc đã được cải thiện đáng kể (40,5% vào năm 1997 giảm còn 30,5% vào năm 2015 và giảm còn 19,9% vào năm 2017). Một giải pháp đã tác động rõ rệt đến tỷ lệ tử vong do chấn thương là việc vận chuyển nhanh chóng đến trung tâm chấn thương. Tỷ lệ tử vong do chấn thương là 15,5% khi bệnh nhân được vận chuyển ngay từ nơi xảy ra thảm họa trực tiếp đến trung tâm chấn thương mà không qua bệnh viện khác, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 31,1% khi đến bệnh viện khác hoặc tỷ lệ 40,0% khi được chuyển đến từ nhiều bệnh viện khác.

 4) Tạo lập dữ liệu lớn về cấp cứu chấn thương: dữ liệu lớn về cấp cứu chấn thương bao gồm các dữ liệu mô tả thống nhất về chấn thương, nhân khẩu học, thông tin trước khi nhập viện, thông tin chẩn đoán và chăm sóc cũng như kết quả điều trị của bệnh nhân bị thương… Các thông tin này có thể được sử dụng để tạo lập dữ liệu nhằm đánh giá tỷ lệ tử vong, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Trung tâm chấn thương và hoạch định các chính sách liên quan.

Trong 10 năm qua, việc hình thành mạng lưới các Trung tâm chấn thương tại Hàn Quốc đã làm cải thiện rõ rệt chất lượng chăm sóc và tỷ lệ tử vong do chấn thương.

Phân bố các Trung tâm Chấn thương khu vực tại Hàn Quốc

Nghiên cứu mô hình này giúp gợi mở đến việc thực thi “Y tế vùng” mà UBNDTP giao nhiệm vụ cho Ngành Y tế Thành phố sớm triển khai các mạng lưới chuyên sâu, trong đó mạng lưới các Trung tâm chấn thương cho khu vực các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là cần sớm được bàn và lập đề án khả thi.

 Tài liệu tham khảo: “Understanding Regional Trauma Centers and managing a trauma care system in South Korea: a systematic review” – Tạp chí Annals of Surgical Treatment and Research (2023).

Nguồn: medinet.hochiminhcity.gov.vn