Sáng ngày 21/11/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM -ITPC đã phối hợp với TLS quán Ấn độ tại TP.HCM tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ – TP.HCM, Việt Nam năm 2023. Chương trình nhằm kết nối các doanh nghiệp của Việt Nam và Ấn Độ gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, nâng cao mối quan hệ đối tác truyền thống, bạn bè gần gũi và thân thiết giữa hai nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam; trong năm 2022, tổng giá trị thương mại Việt Nam – Ấn Độ đạt 15,05 tỷ USD tăng 13,6% so với năm 2021. Xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 7,96 tỷ USD, tăng 26,8% so với 6,28 tỷ USD năm 2021. Tổng giá trị nhập khẩu từ Ấn Độ trong năm 2022, đạt giá trị 7,09 tỷ USD tăng 1,8% so với 6,96 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Ấn Độ trở thành đối tác thương mại đứng IIX của Việt Nam. Ấn Độ hiện có hơn 400 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 01 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
TP.HCM đánh giá quan trọng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Ấn Độ; tính đến tháng 10/2023, Ấn Độ đang có 237 dự án đầu tư với tổng số vốn lên hơn 130 triệu USD, đứng thứ 23 trên 120 quốc gia có đầu tư vào TP.HCM. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển với thị trường 02 nước rộng lớn, hàng hóa hai nước có sự bổ sung tốt cho nhau.
Ông Madan Mohan Sethi – TLS quán Ấn Độ tại TP.HCM, phát biểu tại diễn đàn
Hiện nay; Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ.
TP.HCM với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bước sang năm mới 2024, cũng là thời điểm Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực và Việt Nam cũng là một trong 143 thành viên tham gia quy định này của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đây là cột mốc quan trọng đối với cả nhà đầu tư lẫn nước nhận đầu tư, khi thuế tối thiểu áp dụng tối thiểu 15% trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá giải quyết các điểm nghẽn về kinh tế xã hội của TP.HCM đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư.
ITPC là đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM; được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thành phố, mở rộng thị trường, sẽ đóng vai trò như một trong những cầu nối vững chắc, luôn chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với Ấn Độ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Thông qua chương trình, ITPC tin rằng doanh nghiệp 02 nước sẽ tìm kiếm được nhiều đối tác tiềm năng tương xứng và các cơ hội hợp tác kinh doanh – xuất nhập khẩu mới tại thị trường hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia nói chung cũng như mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Ấn Độ và TP.HCM nói riêng.