Với ý nghĩa mang tầm quốc tế nên các khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 (Festival) đang hội tụ phong phú nhiều mặt hàng, sản phẩm đặc sắc và đặc trưng về lĩnh vực liên quan đến ngành hàng lúa gạo của các vùng, miền trên cả nước.
Người dân phấn khởi khi được tham quan nhiều thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất lúa gạo
Phong phú sản phẩm OCOP
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, thông tin: Trong sự kiện Festival lần này được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, đơn vị được giao nhiệm vụ liên hệ, phối hợp với các tỉnh, thành trong cả nước để trưng bày khu triển lãm thành tựu kinh tế – xã hội và giới thiệu đặc sản, sản phẩm OCOP, với 63 gian hàng. Sau khi liên hệ với các địa phương thì có 26 tỉnh, thành thuộc 3 miền Bắc, Trung và Nam đều có tỉnh đăng ký tham gia. Riêng đơn vị chủ nhà tỉnh Hậu Giang đăng ký trưng bày 4 gian hàng với những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: các sản phẩm chế biến từ cá thát lát, khóm Cầu Đúc, trà mãng cầu, các sản phẩm gạo và chế biến từ gạo… Qua đây, tỉnh Hậu Giang muốn gửi đến bạn bè trong và ngoài nước thông điệp về sự tự hào chất lượng cao của lúa gạo Việt Nam và sự đa dạng của các loại gạo và sản phẩm từ lúa gạo Hậu Giang. Bên cạnh đó là những nỗ lực cống hiến của tỉnh Hậu Giang đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo một cách bền vững và có trách nhiệm với môi trường.
Với sự tham gia của 26 tỉnh, thành phố tại 63 gian hàng đang mang đến sự hội tụ lớn về sự đa dạng những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các vùng miền trên cả nước tại khu triển lãm đặc biệt này. Qua đây không chỉ là cơ hội để các chủ thể OCOP ở các tỉnh có dịp trưng bày, quảng bá sản phẩm độc đáo từ các vùng miền khác nhau, mà đây còn là dịp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường.
Ông Trương Văn Nghiệp, một chủ thể đến từ tỉnh Bình Định có sản phẩm dầu dừa tinh khiết đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh đang trưng bày quảng bá tại Festival, chia sẻ: “Khi biết thông tin đây là đầu tiên Việt Nam tổ chức Festival ngành hàng lúa gạo mang tầm quốc tế tại tỉnh Hậu Giang nên tôi mạnh dạn đăng ký với Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh để tham gia trưng bày và tìm kiếm cơ hội mới trong hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Cùng với sản phẩm của tôi thì đợt này tỉnh Bình Định tham gia trưng bày 12 mặt hàng nông sản mang tính đặc trưng, sản phẩm OCOP của định phương, trong đó có nhiều sản phẩm được chế biến từ gạo”.
Cùng niềm vui khi tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại Festival lần này, chị Nguyễn Thị Yến, đến từ tỉnh Nghệ An, thông tin: “Gian hàng của quê hương tôi tham gia trưng bày 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh, gồm: nước mắm, tương hột, dầu gạo thảo dược, giò bê, trà dược liệu. 5 sản phẩm trên ngoài được chứng nhận OCOP thì đây còn là những mặt hàng đặc trưng của Nghệ An. Do đó, hy vọng tại đợt Festival mang tầm quốc tế lần này, chúng tôi sẽ có những trải nghiệm và tìm kiếm được đối tác mới trong thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường nước ngoài để sản phẩm được vươn xa”.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, thông tin thêm: “Chúng tôi tin rằng, với sự hội tụ lớn về các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP được trưng bày tại Festival lần này không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương, mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp mạnh mẽ và mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm OCOP Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn và chúng tôi sẵn lòng đóng góp và hợp tác chặt chẽ để đạt được những mục tiêu này trong kỳ Festival này và các sự kiện tương lai”.
Nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của vùng miền trên cả nước đang được trưng bày tại Festival lúa gạo
Giới thiệu nhiều thiết bị công nghệ mới
Cùng với khu triển lãm sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP thì trong chuỗi hoạt động Festival lần này còn có khu triển lãm trưng bày chuỗi sản xuất ngành hàng lúa gạo và khu triển lãm kinh tế – quốc phòng. Qua ghi nhận thực tế tại 2 khu trên thì đang có nhiều doanh nghiệp thực hiện trưng bày, giới thiệu không ít những trang thiết bị công nghệ mới hiện đại phục vụ sản xuất lúa gạo như: máy xay xát và đánh bóng hạt gạo, thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân, nhiều chủng loại máy thu hoạch lúa, cũng như máy cấy lúa; đồng thời doanh nghiệp giới thiệu nhiều chủng loại thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ sinh học phục vụ cho ngành hàng lúa gạo; cũng như nhiều loại giống lúa mới chất lượng cao cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đang đi rảo quanh khu triển lãm trưng bày lĩnh vực kinh tế – quốc phòng, ông Nguyễn Văn Sơn, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cho hay: “Tôi thấy nhiều loại thuốc có nguồn gốc sinh học phục vụ cho sản xuất lúa nên đợt này, sau khi tìm hiểu, tôi sẽ mua số lượng tương đối nhiều để về áp dụng ngay trong vụ lúa Đông xuân đang canh tác của gia đình. Bởi tôi biết rằng, việc sử dụng thuốc sinh học thay thế thuốc hóa học sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng khi tạo ra hạt gạo sạch, đồng thời tạo môi trường sống trong lành”.
Cũng thể hiện sự bất ngờ khi thấy nhiều thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ canh tác lúa được trưng bày tại khu triển lãm kinh tế – quốc phòng, ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Nhiều loại thiết bị máy bay không người lái dùng để phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân ngày càng được chế tạo hiện đại và đáp ứng theo nhu cầu của nông dân nhiều hơn. Mặt khác, tôi cũng rất thích chiếc máy tự động làm cỏ cho vườn cây ăn trái và tại những khu vực đất trống. Do đó, nếu hỏi giá cả hợp lý và dễ sử dụng thì tôi sẽ mua một chiếc máy tự động làm cỏ về để trải nghiệm”.
Ngoài trưng bày, giới thiệu các nội dung trên thì nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng xanh phục vụ đời sống và bữa ăn an toàn cho người dân thành thị và nông thôn như: thực phẩm, dược phẩm, hàng tiêu dùng… xanh, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường cũng có gian hàng quảng bá hình ảnh tại Festival lần này. Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch, lữ hành, dịch vụ du lịch… trong và ngoài tỉnh cũng triển lãm, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh ngành du lịch của địa phương bao gồm: danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, lịch sử địa phương và trưng bày các sản phẩm du lịch liên quan đến ngành hàng lúa gạo…
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Festival lúa gạo của tỉnh Hậu Giang, cho biết: Festival đang mở ra cơ hội giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản xuất, chất lượng hạt gạo và tạo đà thúc đẩy cho thương mại lúa gạo quốc gia, cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các vùng miền trên cả nước thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động triển lãm. Tất cả các chuỗi hoạt động tại Festival được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân được tiếp cận với những kiến thức sản xuất mới, các công nghệ mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại đang ứng dụng trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng. Qua đây, đáp ứng yêu cầu về số hóa ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững. Từ đó, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới.
Theo kế hoạch của chuỗi hoạt động Festival thì trong ngày 12-12 sẽ diễn ra 3 hoạt động chính, gồm: buổi sáng là trình diễn cơ giới hóa trong gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm; đồng thời Chính phủ sẽ gắn với việc tổ chức phát động triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Còn trong buổi chiều cùng ngày sẽ diễn ra cuộc hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam – Châu Phi “Hợp tác Nam – Nam hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực”, do Bộ NN&PTNT tổ chức. Đến 20 giờ tối là chương trình khai mạc Festival.