Lần đầu tiên đưa vào Lễ hội hoạt động bắn pháo hoa nghệ thuật, tái hiện chợ nổi miền Tây, giải bơi vượt sông mở rộng, giải vô địch ván chèo đứng, trình diễn mô tô nước và sản phẩm du lịch đường thủy theo chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại”.
Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần 02 năm 2024, diễn ra từ ngày 31/05 đến ngày 9/06/2024 là chuỗi hoạt động du lịch – văn hóa – giải trí – nghệ thuật – thể thao – ẩm thực – mua sắm, định hướng trở thành một sự kiện thương hiệu, góp phần định vị TP.HCM – một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hoá.
Điểm nhấn của lễ hội tiếp tục là chương trình nghệ thuật khai mạc với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” tái hiện câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua ngôn ngữ hoàn toàn mới, dưới hình thức của một vở đại nhạc kịch ngoài trời bên sông Sài Gòn.
Không gian biểu diễn như một phim trường rộng lớn, với hơn 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng. Các kỹ xảo điện ảnh sẽ được ứng dụng vào dàn dựng sân khấu, bối cảnh linh hoạt và liên tục thay đổi tạo sự bất ngờ cho người xem.
Chương trình là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn, là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc, là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, là chuyến tàu ra khơi mang theo vận mệnh cả dân tộc, là những trận đánh tàu vang dội trên sông, là những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách, những chuyến tàu đưa thương hiệu Việt đi khắp năm châu… Đó không chỉ là câu chuyện của những chuyến tàu mà còn là hành trình của cả dân tộc, đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại.
Ban Tổ chức kỳ vọng chương trình sẽ tạo ra xu hướng kết hợp giáo dục – giải trí (Edu – tainmant), tôn vinh giá trị lịch sử và văn hoá, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại.
Các hoạt động thu hút của Lễ hội lần thứ nhất tiếp tục được phát triển như diễu hành trên sông, không gian trên bến – dưới thuyền – tuần lễ trái cây, không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, hội thi ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, các chương trình kích cầu du lịch, kích cầu mua sắm và giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Tạo ra giá trị bản sắc độc đáo riêng vốn có của một “đô thị sông nước” Thành phố Hồ Chí Minh. Khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Giáo dục truyền thống và lịch sử ngàn đời của cha ông. Đem lại nguồn cảm hứng khám phám trải nghiệm cho người dân và du khách về điểm đến Thành phố, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.
Một số ý kiến liên quan đến lễ hội sông nước lần thứ hai:
Lê Quốc Thắng – Nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hoá TP.HCM cho rằng: đây là lễ hội rất riêng của chương trình lễ hội – mà là lễ hội du lịch, nó đã thành công lần thứ nhất, hy vọng sẽ thành công lần thứ hai, đến năm 2025 – kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thì chắc chắn không thể dừng lại… Như vậy là chúng ta đang đi đúng hướng, để TP.HCM có một festival, vì đã chọn được cái “tâm thế” của lễ hội – lẽ ra là lễ hội văn hoá nhưng tại sao lại là lễ hội du lịch? TP.HCM là một trung tâm du lịch, bắt buộc lễ hội này phải là lễ hội du lịch, để chuẩn bị cho năm nay – năm tới…thành công cho “sông nước” thì chữ lễ đặt trọng trách rất nặng đối với ban tổ chức. Cái hồn của lễ hội chính là cái khó cho chúng ta trong vấn đề, đề cập đến lịch sử cận đại và hiện đại, không khéo lại đi giải quyết chuyện chính trị, nó không ra cái hồn của lịch sử với ý nghĩa văn hoá của Sài Gòn – TP.HCM, mà năm 2023 chúng ta đã tổ chức thành công…
Ông Hứa Thanh Bình – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM: chưa thể ý kiến gì, hãy chờ tối 31/05 sẽ biết thiết kế thành công hay không thành công nhưng qua câu chuyện nội dung thì thấy tốt, thiết kế lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử, mô phỏng về con thuyền – chuyến tàu…qua trao đổi tôi cũng đã đặt nhiều câu hỏi với tổng đạo diễn về hình ảnh con thuyền thì phải làm sao? Dòng sông thế nào? Vì yếu tố này dính đến thị giác hình ảnh, đây là câu chuyện lịch sử nên hình ảnh được sân khấu hoá, chủ đề thì dựa vào gam màu sắc của thời đại mới…sân khấu hoá, ánh sáng như thế nào sẽ là sự đánh giá cho một đêm thưởng thức tại lễ khai mạc.
Lê Hải Yến – Tổng đạo diễn chương trình: quá trình thực hiện quả là công phu, dành thời gian 06 tháng nghiên cứu, may mắm được cả hội đồng cố vấn là nhà giáo, nghệ sĩ, lãnh đạo…ở cà 02 miền Nam – Bắc cùng tham gia hỗ trợ. Giúp chúng tôi tư liệu, thông tin kiểm chứng, tranh luận, thảo luận…Tuy nhiên; ở góc độ sân khấu cũng không thể đưa hoàn toàn câu chuyện thật lên sân khấu, chúng tôi cần có cách xử lý theo cách thể hiện của sân khấu, không thể nói đúng hay sai mà là tôn trọng lịch sử – yêu văn hoá lịch sử dân tộc, để đưa ra kịch bản hay. Ê kíp cũng đã tìm kiếm gặp gỡ chiến sĩ Rừng Sác để xây dựng hình ảnh mới, chúng tôi không muốn kể câu chuyện mà mọi người đều biết mà muốn kể câu chuyện mọi người chưa biết. Và những chi tiết đó rất là đời và thú vị, nếu chúng tôi không kể trên “sân khấu” sẽ không có thời gian để kể, đây là cách tri ân các chiến sĩ – tri ân lịch sử…
Phát biểu kết luận tại buổi họp báo Lễ hội sông nước lần hai, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã cảm ơn sự góp ý chân thành của các đại biểu về lễ hội và xin tiếp thu ý kiến để đưa vào tiểu mục cho lễ hội năm 2025, nhằm tạo một dấu ấn cho TP.HCM từ dòng sông kể chuyện.
Thông tin về Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần hai năm 2024, được cập trên trang điện tử Sở Du lịch www.visithcmc.vn và www.sodulich.hochiminhcity.gov.vn