Sáng 12-8, trong chương trình Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III năm 2024, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức hội nghị kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện. Tại hội nghị, lãnh đạo huyện, đại diện các hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ liên kết nhà vườn trên địa bàn và cơ sở thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh đã trao đổi làm rõ những thế mạnh trong phát triển nông sản của địa phương; những khó khăn trong tiêu thụ nông sản… từ đó thúc đẩy liên kết tiêu thụ giữa nhà vườn và cơ sở thu mua.
Vẫn còn khó khăn
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đến nay, ngành Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Khánh Sơn. Địa phương đã trở thành “thủ phủ” cây ăn quả chất lượng cao của tỉnh và của cả khu vực Nam Trung Bộ. Hiện nay, toàn huyện có 4.911ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.941ha cây trồng lâu năm. Đặc biệt, trong đó có 3.308ha cây ăn quả giá trị kinh tế cao, gồm: 2.600ha sầu riêng (1.700ha cho thu hoạch), 349ha bưởi da xanh, 38ha quýt, 51ha chôm chôm và nhiều diện tích cây ăn quả khác. Năm nay, các nhà vườn trên địa bàn ước thu hoạch khoảng 17.000 tấn sầu riêng, 45 tấn măng cụt, gần 500 tấn bưởi da xanh, hơn 3.880 tấn chuối, 100 tấn chôm chôm, 80 tấn quýt đường, 45 tấn mít…
Các cơ sở thu mua và nhà vườn, hợp tác xã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ nông sản Khánh Sơn.
Ông Doãn Trọng Toan – người trồng 5ha sầu riêng cho thu hoạch 40 tấn quả ở xã Sơn Bình bày tỏ: “Sầu riêng Khánh Sơn với chất lượng vượt trội đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, được bình chọn là Thương hiệu Vàng Nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay, các nhà vườn trên địa bàn đang áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng. Nhiều nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Kể ra những điều này để khẳng định nhà vườn đã chủ động được khâu sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường. Điều còn lại phụ thuộc vào đầu ra và giá cả ổn định. Để “cung” của nhà vườn gặp “cầu” của đơn vị thu mua, rất cần cơ quan nhà nước đứng ra kết nối”.
Tại hội nghị, đại diện các cơ sở thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh cho rằng: Chất lượng đã làm nên thương hiệu nông sản Khánh Sơn, đặc biệt là quả sầu riêng vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, thịt ráo, tỷ lệ cơm cao, hương vị cuốn hút đã chinh phục được người tiêu dùng, nhất là thị trường Trung Quốc. Từ thực tế thu mua, tiêu thụ sầu riêng tại Khánh Sơn, các cơ sở thu mua cho rằng, hiện nay, có một số khó khăn cần được tháo gỡ, như: Hạ tầng giao thông kết nối đến Khánh Sơn chưa đảm bảo, nhất là Tỉnh lộ 9 còn nhỏ hẹp nên khó khăn cho xe trọng tải lớn lên Khánh Sơn vận chuyển nông sản; trên địa bàn chưa có nhiều kho lạnh để bảo quản nông sản, nhất là sầu riêng sau bóc múi. Trong việc thực hiện các thỏa thuận thu mua giữa nhà vườn với cơ sở thu mua, có những vườn đã chốt giá, đặt cọc rồi nhưng nhà vườn vẫn hủy hợp đồng để bán cho thương lái khi có giá cao hơn… “Việc thương lái tranh nhau thu gom sầu riêng chỉ mang lại lợi nhuận tức thì cho nhà vườn nhưng về lâu dài việc hợp tác tiêu thụ, ổn định đầu ra vẫn là điều quan trọng. Bởi khi thương lái tranh mua có tình trạng sầu riêng chưa đạt độ chín, chất lượng chưa đảm bảo cũng thu mua để xuất khẩu sẽ gây mất uy tín tại thị trường nhập khẩu”, ông Nguyễn Ngọc Phong – đại diện cơ sở thu mua nông sản A Hùng (tại thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) chia sẻ.
Kết nối cung – cầu
Ông Nguyễn Quốc Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Hội nghị kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện là một trong những hoạt động chính tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm nay. Đây là hoạt động để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, các tổ liên kết, các nhà vườn và cơ sở thu mua nông sản gặp gỡ, hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh của huyện, nhất là sầu riêng và các loại trái cây ngon khác. “Từ sự kết nối của UBND huyện Khánh Sơn, nhà vườn Đậu Dương Trần Nguyễn (ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) và Hợp tác xã Nông nghiệp xanh (xã Thành Sơn) đã ký kết thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông sản, chủ lực là sầu riêng với 2 cơ sở, gồm: Cơ sở thu mua nông sản A Hùng và cơ sở thu mua sầu riêng Minh Lợi (tại thôn Liên Bình, xã Sơn Bình)”, ông Đông cho hay.
Gian hàng trưng bày trái cây ngon, đẹp tại hội thi trái cây huyện Khánh Sơn
Theo chia sẻ của bà Trần Thị Kim Quy – chủ cơ sở thu mua sầu riêng Minh Lợi, qua nhiều năm thu mua sầu riêng phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, cơ sở của bà đã tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản của huyện Khánh Sơn bằng cách hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, thu mua hàng nghìn tấn sầu riêng của rất nhiều nhà vườn. “Chúng tôi mong muốn các nhà vườn tham gia hợp tác tiêu thụ nông sản cần tiếp tục chú trọng quy trình canh tác an toàn, từ chọn giống cho đến chăm sóc, thu hoạch; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn trên thị trường xuất khẩu. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn tiếp tục quan tâm tập huấn cho nông dân, hỗ trợ đầu tư công nghệ sản xuất. Ngoài thị trường Trung Quốc cần tiếp tục xúc tiến để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng và chú trọng hợp tác với các tỉnh, thành phố để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước…”, bà Quy nói.
Đại diện các nhà vườn trồng sầu riêng, cây ăn quả chia sẻ, việc hợp tác tiêu thụ nông sản tại Khánh Sơn đang được thực hiện theo hướng: Nhà vườn cam kết cung cấp nông sản với số lượng, chất lượng và thời gian thỏa thuận; đơn vị thu mua cam kết bao tiêu nông sản cho nhà vườn. Nông sản phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, không có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm; giá thu mua được thống nhất trước mỗi mùa vụ hoặc theo đợt thu hoạch… Điều này được kỳ vọng sẽ giúp đầu ra nông sản của Khánh Sơn ổn định hơn.