Sáng 15/10/2024; UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào các dự án thuộc ngành Văn hóa và Thể thao TP.HCM năm 2024.
Đến tham dự hội nghị còn có các đại biểu như: Chủ tịch UBND TP.HCM – Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM… Cùng đại diện Tổng Lãnh sự, Lãnh sự các nước Vương Quốc Anh, Campuchia, Hà Lan, Liên bang Nga, Trung Quốc,… tại TPHCM.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM – Phan Văn Mãi nhấn mạnh: tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn TP.HCM có 12.398 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là hơn 57,63 tỷ USB. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc ngành Văn hóa và Thể thao TP.HCM; với mục tiêu quảng bá, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, TP.HCM cam kết sẽ làm hết sức mình để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TPHCM.
Việc phát triển thể dục thể thao tại TP.HCM đòi hỏi một chiến lược toàn diện và bền vững; việc phát triển thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp đến việc nâng cấp cơ sở vật chất. Với sự chung tay của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội, TP.HCM có thể xây dựng một nền thể thao vững mạnh, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng mà còn nâng tầm thể thao thành phố trên đấu trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Tại Nghị quyết số 98 của Quốc hội đã trao cho TP.HCM nhiều cơ chế chính sách mới, khá toàn diện, tạo đà cho tăng tốc, phát triển. Hội nghị hôm nay, là một trong số nhiều giải pháp để TP.HCM lắng nghe các ý kiến, hiến kế…nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, đưa TP.HCM hướng tới một đại đô thị thông minh, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Phát triển văn hóa hiện nay đang phải đối mặt với tốc độ phát triển nhanh chóng và sự tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng tiêu cực từ cách mạng 4.0. Cuộc cách mạng này luôn tạo ra những cái mới, sản phẩm mới, hấp dẫn, lôi cuốn, do đó rất dễ dẫn đến tình trạng “sùng ngoại” không chỉ ở phương diện văn minh, mà còn ở lĩnh vực văn hóa, lối sống, cách giao tiếp, ứng xử…
Tại Hội nghị, các vấn đề liên quan đến đầu tư vào các dự án thuộc ngành văn hóa, thể thao được các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đặt câu hỏi. Trong đó có cả nội dung về thuế, thủ tục pháp lý, cơ quan hướng dẫn thủ tục, tham quan thực tế vị trí dự án… đã được đề cập.
Ông Mai Trọng Linh – Phó Giám đốc Phát triển dự án, Tập đoàn CT Group, đặt câu hỏi
Tập đoàn CT Group quan tâm đến 02 dự án: xây dựng mới Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Lao động A-B và Xây dựng Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. ông Mai Trọng Linh – Phó Giám đốc Phát triển dự án, Tập đoàn CT Group, nêu vấn đề về chính sách hỗ trợ dự án và cơ quan trự thuộc liên quan quy định tại Nghị quyết số 98, thu hút nguồn lực của Nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Văn – Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết: những dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa khi vay vốn tại HFIC sẽ được TP.HCM xem xét, hỗ trợ lãi suất theo quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM, được hành cùng với Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 19/9/2023 của HĐND TP.HCM.
Đại biểu tham dự hội nghị cũng đã đề cập đến công trình văn hóa, thể thao trong giai đoạn trước chủ yếu áp dụng loại hợp đồng BT, dừng thực hiện từ năm 2020 theo quy định của Luật PPP nhưng trong 05 dự án của TP.HCM có dự án PPP mà TP.HCM kêu gọi, loại hình hợp đồng dự kiến áp dụng là BOT, trường hợp nhà đầu tư chưa thể thu hồi vốn trong thời gian vận hành, trong trường hợp này thành phố có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư như thế nào?
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT T.PHCM cho biết: đối với dự án PPP, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 04, ngày 25/01/2024, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị cá nhân trong quản lý, thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn. Việc quản lý các dự án đầu tư PPP; tùy thuộc vào tính chất dự án và năng lực tài chính, các nhà đầu tư đề xuất hỗ trợ, vốn nhà nước có thể tham gia 50% vào các dự án này. Với các dự án BOT, BOO; trong quá trình thực hiện doanh thu thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, nhà nước sẽ chia sẻ với nhà đầu tư 50% tổng chênh lệch giữa mức 75% trong mức doanh thu thực tế và mức doanh thu trong phương án tài chính.
Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở VH -TT TP.HCM chia sẻ: TP.HCM đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án; trong đó có 23 dự án được HĐND TP.HCM thông qua danh mục đầu tư, có 05 dự án có tính khả thi cao như:
Dự án Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật TTP.HCM: tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đây là công trình trọng điểm, mang tính biểu tượng của thành phố trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Khu phức hợp Trung tâm Văn hóa thiếu nhi Đa năng – Rạp chiếu phim: nằm ngay trung tâm Quận 05. Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Quận 05 gắn liền với sự hình thành, phát triển của khu vực Chợ Lớn và lịch sử hơn 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Về mặt kinh tế, từ xưa đến nay, quận 05 vẫn được xem là một trung tâm thương mại dịch vụ quan trọng của TP.HCM.
Trung tâm văn hóa – thể thao đa năng TP.HCM tại huyện Cần Giờ: huyện Cần Giờ có tiềm năng và lợi thế rất lớn về rừng, cảnh quan môi trường và biển. Địa điểm xây dựng dự án tiếp giáp dự án Vinhomes Cần Giờ, với tổng mức đầu tư 10 tỷ USD, là đô thị lấn biển với 05 phân khu tổng diện tích hơn 2.800ha, bao gồm khu vui chơi, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, khu nhà ở, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, kinh tế, thương mại dịch vụ, bến cảng, an ninh quốc phòngtổng vốn đầu tư dự kiến là 1.642 tỷ đồng.
Xây dựng mới Nhà hát Gia Định: tại số 475 Bạch Đằng, phường 02, quận Bình Thạnh
Xây dựng Trung tâm Văn hóa TP.HCM, tại số 97 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 01
Thời gian qua, TP.HCM đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Trung ương, sự hướng dẫn – hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành và các địa phương trong cả nước…sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp…Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội giai đoạn 2022 – 2025, của TP.HCM đã có nhiều bước khởi sắc khá toàn diện.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM – Phan Văn Mãi cho biết: trong giai đoạn tới, P.HCM đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội: đến năm 2025, trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD. Đến năm 2030, trở thành thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD.