Ngày 15/11/2024; Hiệp hội Logistics TP.HCM – HLA đã tổ chức diễn đàn Logistics lần thứ 03, với chủ đề: logistics trong bối cảnh toàn cầu. Diễn đàn thu hút 150+ đại biểu tham dự.
Nội dung chính của Diễn đàn bao gồm: phân tích chuyên sâu về hiện trạng hạ tầng logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chiến lược ứng phó với biến động cước vận tải quốc tế. Xu hướng logistics trong thương mại điện tử và tác động đến thị trường. Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Võ Văn Hoan – Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: TP.HCM xem sự phát triển của Ngành logistics Việt Nam từ năm 2025 đến 2030, là một trong 49 chương trình mang tính đột phá của TP.HCM. Từ đó đặt ra mục tiêu phát triển logistics của TP.HCM như là một ngành dịch vụ mũi nhọn, cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.HCM. Quy mô đóng góp của Ngành logistics cho TP.HCM trong năm 2023 gần 140.000 tỷ đồng; TP.HCM đứng đầu cạnh tranh logistics, sau đó là các tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương. Bên cạnh những thuận lợi cho viếc phát triển logistics, TP.HCM cũng còn nhiều khó khăn và hạn chế. Ngành logistics của TP.HCM tuy hình thành từ lâu nhưng phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế đô thị. Với mong muốn diễn đàn logistics là nơi quy tụ, các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học…cùng trao đổi đối thoại, về những vấn đề thời sự của Ngành logistics, để các doanh nghiệp nắm chắc diễn biến tình hình, tìm ra con đường logistics vững chắc, không bị chia cắt. Nhằm đưa hàng hoá của chúng ta đi xa và đưa nguồn nguyên liệu đến sớm, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam.
Ông Phạm Thanh Sơn – Giám Đốc Cảng Tân Cảng Hiệp Phước; trình bày nội dung: hạ tầng Logistics Việt Nam – thách thức và cơ hội cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM, hạ tầng logistics đóng vai trò then chốt trong việc kết nối và vận hành hiệu quả chuỗi cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu này, việc nâng cấp và tối ưu hóa hệ thống hạ tầng logistics đang đặt ra nhiều thách thức đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các vấn đề về chi phí về đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công suất vận tải toàn cầu dự báo tăng 8%, trong khi nhu cầu chỉ tăng 3%, giúp giảm áp lực biến động tăng giá. Xung đột Biển Đỏ, tắc nghẽn kênh đào Panama và nguy cơ đình công tại các cảng biển Mỹ sẽ tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển. Liên minh vận tải biển mới; Gemini Cooperation và /chiến lược hợp tác của MSC sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong mạng lưới dịch vụ vận tải biển. Chính sách áp thuế của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc và xu hướng đa dạng hóa nguồn cung sẽ tác động đến mô hình thương mại toàn cầu, mang đến cả cơ hội và thách thức cho thị trường vận tải container.
Giá cước container quốc tế năm 2025 được dự báo tiếp tục có biến động; mặc dù khó có khả năng tăng mạnh, giá cước vẫn có thể tăng trong một số thời điểm nhất định, đặc biệt là trong mùa cao điểm hoặc khi có sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Cạnh tranh giữa các hãng tàu gay gắt, điều này có thể giúp kiềm chế đà tăng giá cước.
Bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á – ASL Logistics TP. HCM, trình bày nội dung: Ứng phó như thế nào với những biến động cước vận tải quốc tế?
Trước những biến động khó lường của cước vận tải quốc tế, trong bối cảnh thị trường vận tải toàn cầu chịu tác động mạnh từ các yếu tố địa chính trị và khủng hoảng chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động và linh hoạt ứng phó xây dựng quan hệ đối tác bền vững với các hãng tàu, tối ưu hóa chi phí vận chuyển và áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro biến động giá cước hiệu quả. TP.HCM có khoảng 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, hậu cần, kho bãi… Với tình hình đầu tư hạ tầng hiện tại, giải ngân đầu tư công TPHCM chỉ đạt khoảng 22% kế hoạch trong 10 tháng đầu năm 2024, nhiều điểm nghẽn giao thông vẫn chưa được gỡ bỏ gây nhiều khó khăn trong phát triển logistics của TP.HCM.
Chúng ta chưa có hệ thống đường sắt kết nối với cảng biển, tuyến luồng chưa đáp ứng đủ độ sâu, việc quy tụ nạo vét chưa định kỳ và linh hoạt, hạn chế việc tiếp nhận và khai thác ổn định cho tuyến dịch vụ, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải…Doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều đầu tư cho các ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng hạ tầng, đường bộ nội thành chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thương mại điện tử…Cơ hội cho chuỗi cung ứng hiện nay như: khu bến Hiệp Phước, tàu tải trọng đến 70.000 DWT. Khu bến Nhà Bè, tàu tải trọng đến 45.000 DWT.
Dự kiến đường Vành đai 03 sẽ thúc đẩy hoạt động vận tải và kết nối liên vùng giữa các cảng TP.HCM sẽ giúp giảm thời gian và chi phí logistics cho doanh nghiệp. “Cánh tay nối dài” tốt nhất cho cảng TCCL và cụm cảng Cái Mép. Năm 2024, TCSG đặt mục tiêu Xanh hóa – Số hóa là một trong những điểm chiến lược quan trọng hàng đầu cho logistics phát triển.
Thay lời kết:
Thời gian qua, sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo cơ hội cho nhiều tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, mở ra một “bức tranh” toàn cảnh đầy tiềm năng và thách thức cho doanh nghiệp Việt. Trong bối cảnh này, việc xây dựng và tối ưu hóa liên kết chuỗi cung ứng trở thành chìa khóa giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm thiểu rủi ro. Tại diễn đàn, các chuyên gia đầu ngành đã cùng doanh nghiệp thảo luận những giải pháp đột phá, tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu, đồng thời tìm hiểu sâu sắc nhu cầu thực tế của cộng đồng doanh nghiệp để đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin hội nhập vào chuỗi cung toàn cầu.