Home / Du lịch / Khám phá / Khám phá tour mới: một thoáng Đồng Tháp Mười

Khám phá tour mới: một thoáng Đồng Tháp Mười

Mặc dù chưa đến ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam nhưng Đoàn chúng tôi may mắn trở thành những người tiên phong tham gia tour mới khám phá Một thoáng Đồng Tháp Mười. Với thời gian ngắn ngủi, 02 ngày 01 đêm, được trải nghiệm bơi xuồng trên vùng trũng Đồng Tháp Mười, nhìn từng đàn chim bay về ngũ khi chiều muộn, hoa súng nở lúc về đêm, chim bay đi kiếm ăn vào sớm mai…tham quan Thiền viện Chánh Giác, lòng bỗng thấy nhẹ nhàng khi lướt vào khoảnh khắc không gian yên tĩnh.

Trước khi về với điểm đến mới Tiền Giang, du khách sẽ ghé dùng bữa điểm tâm tạị quán cà phê – nhà cổ Dáng Xưa, số 45A Đường 59, P.10, Quận 06, có không gian đặc sệt Sài Gòn với nhiều cổ vật lịch sử quý hiếm. Chủ nhân là TS.Nguyễn Trọng Hạnh – Giảng viên cao cấp Học viện  Phật giáo TP.HCM.

Cà phê nhà cổ Dáng xưa

Sau bữa điểm tâm sáng; du khách sẽ đi xuôi về vùng đất Tiền Giang, đi qua nhiều cung đường mới lạ được cải tạo sau ngày “giải phóng miền Nam” và đôi khi gợi nhớ lại những chuyến xe đò năm xưa mà chúng ta trải qua cùng với những tiếng rao “mía ghim đây, khóm đây…”, thân thương của dân miền Tây.

Phải di chuyển bằng xe thồ để vào chùa

Với tour Một thoáng Đồng Tháp Mười, dân dã, 02 ngày 01 đêm khá thú vị; dành cho những du khách yêu quý thiên nhiên nhưng cũng không kém phần hấp đẫn. Với tour này; sẽ đưa du khách hiểu hơn về vùng đất Tiền Giang xưa nay, trải qua nhiều câu chuyện lịch sử khắc ghi vào tâm thức người địa phương và cả nước như: Chùa Linh Quang, trận Ấp Bắc Lịch sử, Di tích Rạch Gầm – Xoài Mút, Trại rắn Đồng Tâm, Thiền viện Chánh Giác…

Tìm về vùng đất lịch sử:

Điểm dừng đầu tiên là Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc – thuộc xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy – Tiền Giang, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 21km về hướng Tây. Là một địa danh được cả nước và nhân dân tiến bộ trên thế giới biết đến, không phải là danh lam thắng cảnh, mà chính nơi đây đã diễn ra trận đánh vang dội. Trận đánh mà Mỹ – ngụy tập trung lực lượng tối đa, sử dụng phương tiện  chiến  tranh  hiện đại với chiến thuật tân kỳ, với cố vấn Mỹ và các tên tay sai quyết chống phá cách mạng, nhằm nghiền nát Ấp Bắc và tiêu diệt quân chủ lực của cách mạng Miền Nam.

Tượng Đài 03 chiến sĩ Ấp Bắc

Hiện nay, Khu di tích là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên gần 03 ha bao gồm: nhà trưng bày, khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc trong chiến đấu, tượng đồng 03 chiến sĩ gang thép, khu trưng bày những chiến lợi phẩm sau trận đánh: xe bọc thép, máy bay lên thẳng, pháo 105 ly và khu mộ 3 chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ); nhà quản trang, xen kẻ là vườn hoa lúc nào cũng khoe sắc và toả hương thơm ngát.

Trong giai đoạn chiến tranh ở vùng đất này đã có ngôi chùa Linh Quang, theo lời kể của nhiều Phật tử và các bô lão thì…Tháng Giêng năm 1937, Hòa thượng Thích Quảng Cơ lập dựng nên ngôi chùa Linh Quang, là ngôi chùa duy nhất tọa lạc tại xã Điềm Hy và các xã lân cận. Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940; giặc đàn áp, bắt bớ tù đày, bắn giết dã man những người yêu nước, một số cán bộ của ta vào tá túc tại ngôi chùa này, được nhà chùa đùm bọc, che chở tiếp tục hoạt động.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Linh Quang cũng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động. Đầu năm 1966; Hòa thượng Thích Quảng Cơ bị pháo địch bắn gãy chân nhưng vẫn cương quyết bám trụ giữ chùa. Ngày 21/04/1967, Mỹ – ngụy dội bom trúng, ngôi chùa bị phá hủy hoàn toàn. Hòa thượng Thích Quảng Cơ bị trọng thương và sau đó viên tịch, giặc dùng xe ủi đất vùi lấp thi thể Hòa thượng giữa cánh đồng gần đó. Ngôi chùa chỉ còn lại dấu vết là một mảng tường chừng 02 m2 loang lổ vết bom đạn và ngôi mộ của Hòa thượng Thích Quảng Cơ.

Lắng nghe kể chuyện về ngôi chùa Linh Quang

Ông Hạnh – người con địa phương thời còn “trẻ trâu” cho biết: tôi nhớ lúc nhỏ má dẫn đến chùa thấy chè xôi nước ngon, lén bốc ăn, rồi đi ra vòi nước rửa tay…nhưng khi lớn lên, đi theo cách mạng và rời khỏi quê, khi hoà bình về, trở lại quê xưa nhớ có ngôi chùa nhưng sao không thấy đâu. Từ đó tôi mới canh cánh trong lòng, phải làm cách nào khôi phục lại ngôi chùa nhưng nền đất cũ, chính quyền chia cho dân, giờ cũng khó lấy lại…

Cuối cùng, Chùa Linh Quang cũng được khởi công xây dựng lại, ở địa điểm gần đó,  vào ngày 05/10/2012; cách chùa cũ chừng 200 m, với diện tích 4.000 m2, gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, cây xanh… Năm 1998, Hòa thượng Thích Nhuận Sanh (sau này là Trụ trì chùa Linh Quang), cho xây ngôi mộ Tháp đơn sơ cho Hòa Thượng Thích Quảng Cơ chỗ đất cũ. Để xây dựng nên ngôi chùa này; các cấp chính quyền tỉnh đã tạo điều kiện cấp phép, các phật tử, nhân dân địa phương ủng hộ và sự góp sức về tinh thần, vật chất của anh chị em ngành Thuế TP.HCM, đặc biệt là của vợ chồng ông Nguyễn Trọng Hạnh – Nguyên cán bộ tình báo Quân đội, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM và bạn bè của ông.

Khám phá vùng đất Đồng Tháp Mười:

Đồng Tháp Mười – vùng đất ngập nước đặc trưng Tây Nam bộ; thuộc 03 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp; rộng 697.000ha (6.970 km, gần gấp 10 lần đảo quốc Singapore), mênh mông rừng tràm và đồng cỏ dại. Chỉ khu Bảo tồn ngập nước Láng Sen – Long An, 5.030 ha, Vườn Quốc gia Tràm Chim – Đồng Tháp, 7.588 ha đã được qui hoạch làm du lịch, đón khách tham quan.

Đến cuối 2023, Công ty CP Du lịch Đồng Tháp đầu tư vào Khu Bảo tồn Sinh Thái Đồng Tháp Mười – KBT Tiền Giang, 107ha. Nơi đây đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào hoạt động bài bản, phục vụ khách trong những ngày tới. Nhân dịp này, đại diện Công ty Du lịch Lửa Việt đã “mở tour” – Một thoáng Đồng Tháp Mười, dành cho các Công ty Lữ hành, báo chí…cùng tham quan khảo sát tour, giới thiệu cho du khách trong những ngày xuân sắp tới.

Khu Bảo tồn Sinh Thái Đồng Tháp Mười; có 45ha rừng nguyên sinh, 58ha mặt nước giữa vùng đệm, chủ yếu rừng tràm, khoảng 1.800ha với 156 loài thực vật, 147 loài chim, 34 loài cá, 8 loài lưỡng thê, 30 loài côn trùng. Trong đó số lượng chim về cư ngụ có đến hàng chục ngàn. Ngoại cảnh còn hoang sơ, môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ…nên có nhiều loài chim “Thuận Thiên” chung sống.

Tiếp cận diểm du lịch tâm linh mới:

Thiền viện Chánh Giác, rộng 47ha với bốn Thánh tích – hay còn gọi là Tứ Động Tâm, nằm gần Khu Bảo tồn Sinh Thái Đồng Tháp Mười, được xây dựng theo tỉ lệ 6/10 – nguyên mẫu ở Ấn Độ và Nepal: gồm Vườn Lâm Tì Ni nơi Phật đản sinh, Bồ Đề Đạo Tràng nơi Phật thành đạo – Vườn Lộc Uyển nơi Phật chuyển pháp luân – Câu Thi Na nơi Phật nhập Niết bàn.

Cảm nhận của khách đi tour Một thoáng Đồng Tháp Mười:

Đoàn đã đưa chúng tôi về một miền quê yên tĩnh. Nơi chim đầy trời, cá đầy kênh rạch, hai bên bờ kênh rạch không một dấu chân người, cây cối không một nhát dao… Đó là rừng nguyên sinh, là Khu Bảo tồn Sinh Thái Đồng Tháp Mười…

Chiều 15 giờ; cứ 03 người một xuồng, các cô gái trong làng “làm du lịch” đưa chúng tôi len lõi vào các kênh rạch, để nhìn phân chim khỏi rơi vào đầu, chờ ngắm hoàng hôn, nhìn thấy từng đán chim bay về chỗ ngũ…rồi trở về dùng cơm tối, đốt lửa trại cùng BQL Khu Bảo tồn Sinh Thái Đồng Tháp Mười. Kết thúc một ngày mệt mà vui , bổ ích và lý thú.

Chợ quê Bắc Đông

Tranh nhau mua khoai Muống về làm quà

Sáng hôm sau lại đi chợ quê; tranh nhau mua khoai Muống mà không hiểu sau nó có tên Muống nhưng loại khoai này ngon hơn khoai mỡ và giống khoai mỡ. Chợ chưa tan nhưng chúng tôi phải đi xuồng vào ruộng khóm, thưởng thức khóm, xem vườn Khóm bạt ngàn và đóng vai nông dân thu hoạch…

Chúng tôi sẽ kết thúc chuyến đi là hành trình “về nơi đất Phật”, ở Thiền viện Chánh Giác. Nơi đây như là một đất nước Ấn Độ thu nhỏ…

Một thoáng Đồng Tháp Mười đã để lại trong lòng du khách khá nhiều câu chuyện hay về lịch sự đấu tranh giải phóng quê hương Ấp Bắc, về vùng đất phèn chua chỉ có Chim và Khóm gai…mới sống được và câu chuyện về Đức Phật được xây dựng lại dành cho Phật từ tham quan…

Thanh Tú