Chỉ 2 ngày nữa, gần 280.000 học sinh của 2 bậc học THCS và THPT trong toàn tỉnh sẽ trở lại trường sau kỳ nghỉ dài để phòng tránh dịch Covid-19. Trong thời điểm này, công tác chuẩn bị an toàn cũng đang được các trường học khẩn trương triển khai.
Trước ngày học sinh trở lại trường, Trường THPT Nam Đàn 2 đã tổ chức một cuộc họp khẩn với toàn bộ giáo viên trong trường để triển khai công tác dọn vệ sinh và xây dựng chương trình học theo thời khóa biểu mới. Trong các nhiệm vụ đã được lên kế hoạch thì vấn đề làm sao để thực hiện giãn cách trong từng lớp học được các giáo viên quan tâm nhất, bởi với một trường có hơn 1.000 học sinh thì đây là một nhiệm vụ không dễ dàng.
Nói thêm về điều này, thầy giáo Hồ Quốc Việt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đã tính toán, nếu chia lớp ra để dạy thì sẽ không hợp lý vì 1 giáo viên không chỉ dạy 1 lớp mà còn liên quan đến lịch học của nhiều lớp khác. Thế nên, nếu như trước đây, chúng tôi cứ 1 bàn/2 học sinh thì nay trường sẽ ghép 2 bàn lại với nhau và sẽ bố trí lại 2 bàn/3 học sinh. Ngoài ra, lịch học của các khối cũng sẽ thay đổi với học sinh lớp 11,12 học buổi sáng và học sinh lớp 10 học buổi chiều. Điều này sẽ hạn chế được số lượng học sinh tập trung đông ở mỗi buổi học.
Trong ngày 23 và 24/4, các trường THPT và THCS ở Diễn Châu đã huy động toàn cán bộ, giáo viên tiến hành tổng dọn vệ sinh, lau chùi lại các dụng cụ học tập. Trong ngày 24/4, các trường được cấp gần 90 kg hóa chất tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực trường. Các trường học còn lắp thêm 200 vòi rửa tay và xà phòng đầy đủ, mỗi lớp đều được trang bị nước sát khuẩn và máy đo thân nhiệt.
Huyện Diễn Châu sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Mai Giang
Huyện Diễn Châu cũng áp dụng học theo ca để giảm số học sinh trong từng buổi bằng việc đối với cấp THPT, khối lớp 11,12 học buổi sáng, khối 10 học buổi chiều. Đối với cấp THCS, khối lớp 8, 9 học buổi sáng và khối 6, 7 học buổi chiều. Với việc chuẩn bị chu đáo, huyện Diễn Châu đã sẵn sàng đón gần 27.000 học sinh THCS và THPT trở lại trường vào ngày 27/4.
Phụ huynh tham gia tu sửa ký túc xá trường học tại Trường PTDT Bán trú THCS Lưu Kiền trước khi đón học sinh trở lại trường. Ảnh: Đình Tuân
Còn ở Trường PTDT Bán trú THCS Lưu Kiền, sau thời gian khá dài không sử dụng vì học sinh nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, một số dãy nhà ký túc của học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Lưu Kiền đã bị xuống cấp. Sáng 24/4 cán bộ, giáo viên và phụ huynh nhà trường đã triển khai tu sử lại các chỗ bị hư hỏng do mối mọt, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Các nguyên, vật liệu dùng để tu sửa như tre, nước… đều do phụ huynh tự nguyện đóng góp.
Cô Nguyễn Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Lưu Kiền cho biết: “Để vừa đảm bảo tiến độ công việc như đã đề ra, vừa đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19, thay vì điều động giáo viên toàn trường cùng hỗ trợ trong 1 ngày, nhà trường chỉ điều động một số phụ huynh, số phụ huynh còn lại sẽ điều động vào thời gian tiếp theo. Tất cả cán bộ, giáo viên, phụ huynh đều phải đeo khẩu trang và trong lúc lao động điều được chia thành nhóm nhỏ và giữ khoảng cách an toàn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh tại Trường THPT Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Mỹ Hà
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, từ thứ Hai tới (ngày 27/4) gần 280.000 học sinh ở bậc THCS và THPT sẽ trở lại trường học sau nhiều tháng liên tục nghỉ học để phòng, tránh dịch Covid-19. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, ngay sau khi có thông báo của UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cùng đại diện ngành Giáo dục và một số ngành liên quan cũng đã đến kiểm tra công tác tại các nhà trường.
Đến Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc) dù trong thời gian qua nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền và công tác phun trừ, phòng trừ dịch bệnh nhưng đoàn vẫn nhắc nhở trường phải lắp đặt thêm các vòi nước rửa tay ngoài khoảng 30 vòi trường hiện có. Hay với Trường Mầm non và Tiểu học Nghi Trường với đặc thù là học sinh còn nhỏ tuổi, các cháu lại ở bán trú và ý thức tự bảo vệ chưa cao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các giáo viên phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở học sinh.
Trong tổ chức bán trú, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không cho trẻ dùng chung các đồ dùng như bát, đĩa, cốc nước và tiếp tục lắp thêm vòi rửa tay để học sinh sử dụng thường xuyên và trở thành thói quen trong các nhà trường. Liên quan đến vấn đề này, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng đã xây dựng các tiêu chí về an toàn ở các trường học. Trong đó, ngoài chỉ rõ các điều kiện cơ bản để học sinh có thể đến trường, như học sinh đến trường sống ở vùng có nguy cơ nhiễm dịch hoặc nhiễm dịch thêm, gia đình không có đối tượng thuộc diện cách ly thì các trường cũng cần phải đảm bảo 10 tiêu chí an toàn khác từ làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra sức khỏe, vệ sinh phòng dịch.
Trong những ngày học sinh chuẩn bị trở lại trường, việc tổ chức dạy và học cũng cần phải được quan tâm. Tại Trường THCS Lê Mao, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong thời gian nghỉ học, tỷ lệ học sinh trong trường tham gia học trực tuyến gần 90%. Nhưng, khi quay trở lại học, chúng tôi vẫn yêu cầu các giáo viên dành thời gian để tổ chức ôn tập và giảng lại những phần học sinh chưa hiểu để đảm bảo tất cả học sinh đều có thể theo kịp chương trình.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 10 chỉ tiêu an toàn trường học để học sinh an tâm khi trở lại trường. Ảnh: Mỹ Hà
Thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng chương trình giảm tải cho tất cả các bậc học và việc tổ chức dạy học bổ sung kiến thức cho học sinh nghỉ học cũng đã được Sở hướng dẫn từ đầu tháng 3. Vì thế, căn cứ vào tình hình thức tế, các nhà trường sẽ tiến hành rà soát để bổ sung kiến thức cho nhà trường một cách hiệu quả nhất.
Về việc tổ chức dạy học cho học sinh bậc phổ thông là THCS và THPT, ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tính từ tuần tới khi học sinh đi học trở lại đến khi kết thúc năm học vào 15/7 đang còn quỹ thời gian 11 tuần. Hiện, sau khi điều chỉnh nội dung dạy học, cấp THPT cần 6-7 tuần; cấp THCS cần 8-9 tuần để hoàn thành chương trình. Do đó, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát thì quỹ thời gian còn lại là đủ và có thể không cần phải dạy bù tăng buổi. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trường trước khi triển khai dạy bài mới, phải rà soát để bổ sung kiến thức cho học sinh học trực tuyến nhưng chưa đạt hoặc không có điều kiện học trực tuyến rồi mới dạy bài mới tiếp theo. Nghĩa là các trường chỉ được kế thừa dạy tiếp nếu tất cả học sinh đều đã đạt chuẩn kiến thức cốt lõi của bài học đó.
Về phương án học tập cho bậc học cuối cấp, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sở đang tiến hành làm văn bản để tham mưu cho tỉnh giảm môn thi tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Ngay sau đó cũng sẽ ban hành cấu trúc đề thi tuyển sinh 10, tập trung vào những kiến thức cốt lõi sau điều chỉnh nội dung và có văn bản hướng dẫn ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 để giáo viên hướng dẫn và tổ chức cho học sinh ôn tập đúng trọng tâm, tránh dàn trải. Riêng với học sinh lớp 12, hiện Bộ đã có chủ trương điều chỉnh và trước mắt trong thời điểm này các nhà trường vẫn tiến hành rà soát nội dung trọng tâm để ôn tập theo nội dung dạy học đã tinh giản. Sau khi Bộ có hướng dẫn chính thức, Sở sẽ hướng dẫn, tư vấn cụ thể hơn về chuyên môn để điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp, sát với tính chất, mục tiêu kỳ thi.