Ngành hoa Đà Lạt có tốc độ phát triển cao và sớm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, cần tìm kiếm giải pháp khôi phục, phát triển, nhất là thúc đẩy xuất khẩu.
Công ty Rừng Hoa Đà Lạt nhập giống để trồng sau đó xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Nếu nhìn một cách tổng quát đối với một ngành hàng có lợi thế so sánh của tỉnh Lâm Đồng, trong 15 năm qua diện tích trồng hoa tăng liên tục với nhiều chủng loại hoa mới; tổ chức sản xuất với nhiều hình thức, trở thành một trong những ngành hàng có giá trị cao trên một đơn vị diện tích và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng lớn; ngành hoa đã góp phần làm giàu cho nhiều nông dân và doanh nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2004, Lâm Đồng gieo trồng 750 ha hoa cắt cành với sản lượng trên 310 triệu cành hoa các loại. Hoa xuất khẩu đạt khoảng 40 triệu cành (12,9%), xuất sang các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, EU, Australia, một số nước trong Hiệp hội ASEAN. Các công ty nước ngoài trên địa bàn xuất khẩu khoảng 25 triệu cành (Đà Lạt Hasfarm, Bonifarm…); các doanh nghiệp, trang trại và nông hộ trong nước xuất khẩu khoảng 15 triệu cành. Năm 2004 xuất khẩu hoa thu được trên 6 triệu USD.
Đến năm 2019 quy mô diện tích lên 8.634 ha (gấp 11,5%), sản lượng 2.845 triệu cành (gấp 9,2 lần), như vậy năng suất hoa trung bình giảm hơn; toàn tỉnh có trên 56 doanh nghiệp, làng hoa, HTX sản xuất hoa, trong đó có 5 doanh nghiệp/266 ha sản xuất, kinh doanh hoa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Năm 2019, toàn tỉnh có 2.806,1 ha canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 2.405 ha sản xuất hoa trong nhà kính; 165,8 ha nhà lưới; có 46 cơ sở nuôi cấy mô với năng lực sản xuất trên 65 triệu cây giống in vitro phục vụ sản xuất hoa thương phẩm, giá trị xuất khẩu năm 2019 khoảng 48 triệu USD (gấp 8 lần).
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2020, một trong những khó khăn chưa có tiền lệ của ngành công nghiệp hoa toàn cầu và lịch sử 90 năm ngành hoa Đà Lạt đó là đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề, giảm sâu và làm xáo trộn sản xuất kinh doanh ngành hàng chưa từng xảy ra trong lịch sử, làm cho người trồng hoa khó khăn, doanh nghiệp mất thị trường, nông dân không bán được hoa; thực tế xảy ra trình trạng hủy, bỏ hoa, thiệt hại từ 40 – 80%. Đáng nói hơn, nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ thiếu liên kết bị thiệt hại 100%, các doanh nghiệp xuất khẩu bị thiệt hại hàng triệu USD… chưa từng có tiền lệ ngành trồng hoa Đà Lạt, Lâm Đồng.
Trước những thiệt hại do COVID-19, ngành hoa Lâm Đồng cần có những giải pháp cơ bản khắc phục hậu COVID-19, đồng thời chủ động yêu cầu hội nhập quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu:
Trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh cơ cấu sản xuất hoa; chủ động chuyển đổi một số diện tích hoa sang cây trồng khác phù hợp; đặc biệt là các loại rau ăn lá để thu hoạch nhanh có tiền khôi phục lại sản xuất; luân canh cây trồng hợp lý; tiến hành tổ chức trồng rải vụ theo nhóm hoa; bán hoa giá thấp hơn bình thường để chia sẻ với người tiêu dùng; chăm sóc duy trì vườn cây đối với hoa dài ngày; điều chỉnh thị trường một cách linh hoạt; thay đổi chiến lược bán hàng với nhiều phương thức; tăng nhiều hình thức dịch vụ khách hàng hơn để khôi phục thị trường…Có như vậy mới giữ vị thế ngành hàng, một trong những ngành hàng khôi phục sản xuất nhanh hậu COVID-19;
Về lâu dài, cần rà soát lại sản xuất, điều tra khảo sát có số liệu khoa học về thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh hoa; sản lượng hoa thương phẩm, trong đó cơ cấu thương mại từng chủng loại hoa, cây giống hoa, cây cảnh, cây trang trí…; phương thức canh tác; bao nhiêu sản lượng hoa, cơ cấu nhóm hoa có bản quyền, không có bản quyền và dịch vụ logistic hoa… để từ đó tổ chức lại sản xuất quy mô phù hợp theo thị trường trong nước và xuất khẩu;
Tổ chức sản xuất đồng bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo hướng sử dụng nhà kính đồng bộ đủ chuẩn, giảm dần và tiến đến hạn chế canh tác diện tích nhà kính không đủ chuẩn; tùy theo quy mô diện tích canh tác nên chừa diện tích đất không làm nhà kính từ 10-20%; có lộ trình từng bước đưa dần diện tích trồng hoa ra các vùng ngoại thành Đà Lạt để đảm bảo cảnh quan đô thị;
Song song với phát triển hoa cắt cành như truyền thống, cần tái cấu trúc ngành sản xuất hoa theo hướng từng bước chuyển hoa cắt cành sang hoa chậu; phát triển hoa dài ngày có lợi thế cạnh tranh của Đà Lạt. Xây dựng vùng sản xuất hoa chuyên canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển các loại hoa, cây cảnh có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt quan tâm một số loại hoa chủ lực có tiềm năng xuất khẩu. Nghiên cứu nhập nội, lai tạo, chọn lọc giống mới, chủ động bản quyền đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu cần được quan tâm đầu tư và duy trì hàng năm; đồng thời chuyển dần từ bị động sang chủ động mua bản quyền giống để tạo các nguồn giống tốt phục vụ sản xuất bền vững;
Tập trung các nguồn lực, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu và chọn tạo giống hoa có bản quyền trong nước và quốc tế, đi đôi chú trọng nhân giống hoa quý, hiếm nhân nhanh giống invitro quy mô công nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu.
UBND thành phố Đà Lạt cần có kế hoạch sớm triển khai trung tâm giao dịch hoa để từng bước tổ chức các hoạt động sản xuất, thương mại hoa tiệm cận ngành công nghiệp hoa quốc tế;
Tiếp tục thu hút đầu tư các doanh nghiệp có tiềm lực khoa học công nghệ, tài chính và thị trường để làm hạt nhân chuỗi giá trị kết nối tiêu thụ hoa cho nông dân; tiếp tục quảng bá thương hiệu: “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” để khôi phục và khai thác thị trường trong, ngoài nước với một yêu cầu mới, hậu COVID-19;
Khuyến khích việc đăng ký bản quyền giống hoặc mua bản quyền giống để chủ động về công nghệ sản xuất giống, khép kín khâu trồng trọt từ giống đến thành phẩm. đặc biệt là bản quyền về giống hoa. Không thể lấy giống sao chép hoặc nhập tiểu ngạch để trồng hoa xuất khẩu, nếu kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng uy tín thương mại và sức cạnh tranh ngành hoa sẽ thấp khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu;
Phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất cây giống invitro cây hoa không chỉ đứng đầu ở Việt Nam mà còn đứng đầu Đông Nam Á và có tầm cỡ quốc tế; với mục tiêu phấn đấu sản xuất khoảng 200 triệu cây giống invitro vào năm 2030, nếu giá trị bình quân khoảng 0,2 USD/cây thì ngành hoa Đà Lạt có nguồn thu khoảng 40 triệu USD/năm từ việc cung cấp cây giống invitro mà chẳng tốn nhiều đất đai và ít ô nhiễm môi trường;
Trên cơ sở rà soát sản xuất ngành hoa hậu COVID-19, từ đó phân tích có cơ sở khoa học, các doanh nghiệp và người trồng hoa cần bình tĩnh, tự tin, chủ động tổ chức lại sản xuất ngành hoa Đà Lạt theo quy mô công nghiệp. Khai thác tối đa lợi thế so sánh, nâng giá trị tổng hợp các nhóm hoa; phấn đấu phát triển ngành công nghiệp hoa Đà Lạt với kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030 khoảng 120 triệu USD, trong đó giá trị hoa thương mại khoảng 80 triệu USD và giá trị cây giống invitro khoảng 40 triệu USD.